Ninh Bình: Nhiều băn khoăn về việc giao dự án 731 tỷ đồng cho Sở NN&PTNT 

An An 15/12/2022 09:12

Dự án 731 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh (Ninh Bình) không được giao về cho BQLDA chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh mà giao cho Ban QLDA thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đang thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình tại số 3 đường Lê Hồng Phong, phường Vân Giang, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình vừa thông báo mời thầu Gói thầu số 05 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh. Tổng mức đầu tư Dự án là 731 tỷ đồng. Gói thầu số 05 có giá 610,316 tỷ đồng, dự kiến đóng thầu ngày 24/12/2022.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, trong quý IV/2022, 2 gói thầu khác sẽ được đấu thầu qua mạng gồm: Gói thầu số 12 Cắm mốc giải phóng mặt bằng (giá gói thầu 2,468 tỷ đồng); Gói thầu số 06 Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị (giá gói thầu 5,32 tỷ đồng). Dự kiến, quý I/2023 sẽ đấu thầu Gói thầu số 11 Bảo hiểm công trình xây dựng (giá gói thầu 4,655 tỷ đồng).

Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng nêu chi tiết về quy định giao chủ dự án. Luật xây dựng tại Khoản 3, Điều 7, Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung năm 2020 được Quốc hội thông qua vào ngày 17/6/2020 cũng nêu rõ: Đối với các chủ đầu tư "Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư".

Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh có giá dự toán xây lắp 610 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho dự án của Ninh Bình kết hợp vốn ngân sách tỉnh được giao về cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư và quản lý. Việc tự thành lập ban riêng, kiêm nhiệm trực thuộc Sở đã tạo dư luận không tốt cho rằng đây sẽ là lỗ hổng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với chất lượng công trình và nguy cơ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước do năng lực của các nhân sự được huy động vào Ban QLDA kiêm nhiệm không đồng đều, khó đảm bảo năng lực để quản lý một dự án lớn.

Nhiều vụ việc tương tự đã từng xảy ra, một số địa phương đã phải gánh chịu sự đổ bể dự án do cấp Sở kiêm nhiệm. Việc Ninh Bình trở lại giao các dự án lớn về các Sở, lập ban riêng kiêm nhiệm, trong khi Tỉnh đã có các Ban chuyên trách với lực lượng kỹ sư đông đảo được đào tạo chính quy, nhiều kinh nghiệm, quản lý bài bản; việc Ban QLDA chuyên trách nhưng không được giao dự án sẽ không tránh khỏi nghi ngờ, điều tiếng.

Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình thì việc giao dự án cho các Sở làm chủ đầu tư thành lập Ban riêng kiêm nhiệm Quản lý một dự án trực thuộc Sở là chưa đúng vì tỉnh hiện đã có 3 Ban QLDA chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh được thành lập vào năm 2017.

Bày tỏ quan điểm đối với Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh không được giao về cho Ban chuyên ngành Tỉnh quản lý mà lại giao về cho Ban QLDA kiêm nhiệm của Sở, vị nguyên phó lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng đây là vấn đề cần phải xem xét lại. Việc không sử dụng năng lực hiện có của Ban QLDA chuyên mà lại đi thành lập ban mới kiêm nhiệm trực thuộc Sở rồi đi huy động những nhân sự từ bên ngoài vào tham gia thì dự án rất có thể dẫn đến nguy cơ thất thoát lãng phí, chất lượng không đảm bảo.

Còn vị nguyên lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình thì bày tỏ quan điểm: Với những dự án lớn tới 610 tỷ đồng thì Tỉnh nên giao về Ban quản lý chuyên ngành thì sẽ tốt hơn vì họ chuyên nghiệp còn với một Ban kiêm nhiệm thì không thể nào bằng một Ban chuyên được, đó là điều ai cũng có thể nhận thấy. Theo quy định thì những dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải giao về cho Ban Nông nghiệp tỉnh, thực tế trước đây một số Sở đều có Ban Quản lý dự án, tuy nhiên từ năm 2017, các Ban này đã được giải thể, sáp nhập. Nếu bây giờ các dự án được giao về cho Sở làm chủ đầu tư thì Sở lại phải thành lập thêm Ban Quản lý một dự án, thuộc Sở đó quản lý, việc phân dự án này là bất cập nhưng do quyền của Tỉnh thì Ban phải chấp hành.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình tại số 2 đường Lê Hồng Phong, phường Vân Giang, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Pháp luật nghiêm cấm các hành vi không bảo đảm minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và các hành vi bị cấm khác trong đấu thầu; quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Vì vậy, các Ban quản lý dự án phải tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình xây dựng và các gói thầu khác có liên quan đáp ứng tiến độ yêu cầu và điều kiện khởi công, thi công xây dựng theo quy định.

Giám đốc Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; xác định nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu; đánh giá, thẩm định, phê duyệt, đăng tải thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng bảo đảm tiến độ... Tuy nhiên nếu Ban QLDA không chuyên rất khó có thể có kinh nghiệm lựa chọn nhà thầu uy tín, đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong công tác đấu thầu.

Công trình chất lượng kém là nguyên nhân dẫn đến thất thoát tiền cho ngân sách nhà nước, trong đó phần lớn do sự quản lý yếu kém của các chủ đầu tư không đủ năng lực nhưng vẫn được giao thực hiện dự án.

Được biết thời gian gần đây cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế và buôn lậu (PC03) công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố và bắt tạm giam lãnh đạo một số cấp xã do liên quan đến việc thanh toán khống khối lượng các dự án và công trình... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng một phần do lãnh đạo cơ sở không có chuyên môn về quản lý dự án nhưng lại được giao quản lý dự án, giao làm chủ đầu tư. Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh tại Ninh Bình được giao cho Ban QLDA thuộc Sở Nông nghiệp khiến dư luận băn khoăn, lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.

[Ninh Bình: BQLDA chuyên trách thiếu việc làm, các Sở chuyên môn vẫn kiêm nhiệm]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Bình: Nhiều băn khoăn về việc giao dự án 731 tỷ đồng cho Sở NN&PTNT 

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO