Nợ công sẽ đội cao nếu Chính phủ 'cứu' Vietnam Airlines

Hạnh Nhân 16/07/2020 13:47

Theo chuyên gia, việc Chính phủ cho Vietnam Airlines vay hay bảo lãnh vay khiến cho nợ công đội cao lên dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Năm lần bảy lượt xin, rồi vay chưa được đáp ứng, mới đây Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lại vừa “mè nheo” yêu cầu Chính phủ “hỗ trợ” vốn bằng hình thức vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, trong thời hạn 3 năm.

Vietnam Airlines đe dọa nếu Chính phủ không “giúp”, hãng hàng không này sẽ mất thanh khoản từ tháng 8/2020, dẫn đến nguy cơ phá sản khiến Nhà nước mất vốn.

Không chỉ vậy, để “thuyết phục” Chính phủ, Vietnam Airlines còn kể lể công trạng đã thực hiện được bao nhiêu chuyến bay giải cứu người Việt Nam ở nước ngoài.

Hãng VNA đang đứng trước nguy cơ mất thanh khoản.

Theo ông Dương Trí Thành, Giám đốc điều hành (CEO) Vietnam Airlines, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp này lỗ ròng 13.000 tỷ đồng năm nay và mất khả năng thanh toán từ tháng 8, nếu không được Chính phủ hỗ trợ.

Ông Thành kể lể: VNA là hãng hàng không quốc gia, ngoài nhiệm vụ chung, hãng còn phải phục vụ an ninh quốc phòng, vai trò Nhà nước giao phó, bay giải cứu, hồi hương người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng theo ông Thành, trong giai đoạn vừa qua, VNA đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp như: Giảm lương, đàm phán giãn thanh toán thuê máy bay, giãn gốc lãi vay... song tình hình tài chính vẫn không thể được cải thiện.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn...”, ông Thành yêu cầu.

Liên quan tới việc xin vay số vốn “khủng” của VNA, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề xuất được tham gia tái cơ cấu VNA, với mục tiêu trở thành cổ đông của doanh nghiệp này. Nhưng có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, SCIC không được phép đầu tư vào VNA, vì trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo quy định của luật này, Nhà nước chỉ đầu tư vào doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực, gồm: Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Riêng về các phương án vay, TS Võ Đình Trí (Đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng VNA có thể thực hiện vay Chính phủ hoặc vay ở các định chế tài chính khác có Chính phủ bảo lãnh. Song, các phương án vay kể cả vay trực tiếp hay có bảo lãnh của Chính phủ thì cũng cần được xem xét ở góc độ tất cả các doanh nghiệp hàng không, chứ không chỉ ưu ái riêng VNA để đảm bảo có sự cạnh tranh lành mạnh.

Hơn nữa, việc Chính phủ cho Vietnam Airlines vay hay bảo lãnh vay cũng khiến cho nợ công đội cao lên dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

“Về dài hạn thì Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn xuống dưới 60% nhằm đa dạng hóa chủ sở hữu và giảm thiểu rủi ro mất vốn Nhà nước...”, ông Trí đề nghị.

Để “giải cứu” VNA lúc này, một đề xuất được dư luận quan tâm là phải cứu hàng không Việt bằng cơ chế, chính sách để bảo đảm tính bền vững, phải triệt để “cởi trói cơ chế” để VNA được “bay thẳng”, đó chính là lối thoát duy nhất để không bị phá sản.

Về vấn đề hợp tác với SCIC và các hãng hàng không Việt trong vấn đề hạch toán thì tiền của Chính phủ hay của SCIC thì cũng là tiền thuế của dân, cần hết sức cẩn trọng để tránh sai lầm trong sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ công sẽ đội cao nếu Chính phủ 'cứu' Vietnam Airlines

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO