Nỗ lực phục hồi và tăng tốc

Tâm Như 13/10/2021 06:20

Tại Việt Nam, đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất…, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kết quả GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay. Dịch Covid-19 đã làm nhiều DN đối mặt với nguy cơ phá sản. Số DN rút lui khỏi thị trường 9 tháng năm 2021 là 90.300 DN, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, giúp DN có thêm “sức đề kháng” cũng như nguồn lực để khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ; trong đó phải kể tới các chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí…với số tiền ước tính là 118.000 tỷ đồng.

Sáng 12/10, nhân Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt doanh nhân. Đây là lần thứ ba trong vòng hơn hai tháng qua, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ và đối thoại cùng cộng đồng DN cả nước trong bối cảnh xác định sẽ sống chung với dịch Covid-19. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ tới sự phát triển của cộng đồng DN.

Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ. Vậy câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là DN cần làm gì khi mở cửa trở lại nền kinh tế? Theo các chuyên gia kinh tế, việc củng cố nhận thức về bối cảnh “bình thường mới” cũng là điều quan trọng do khả năng dịch Covid-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động đến đời sống kinh tế - xã hội ngay cả khi tỷ lệ tiêm vacine trong nước đạt độ phủ toàn dân.

Trong các thách thức cho giai đoạn tiếp theo, cần lưu ý thách thức liên quan đến rủi ro về lạm phát đến từ tác động của các gói kích thích kinh tế ứng phó Covid-19 của nhiều quốc gia; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và đình trệ sản xuất, suy thoái toàn cầu vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới; nguy cơ suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước; các hàng rào kỹ thuật cao hơn trong bối cảnh các quốc gia mở cửa giao thương có xu hướng ưu tiên các quốc gia, khu vực kiểm soát được dịch bệnh...

Có thể thấy, sau cơn bùng dịch thứ tư trong nước, các DN đã cảm nhận rõ rệt sức ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên doanh thu và lợi nhuận, cũng như nhìn thấy được những điểm yếu của mình. Tuy nhiên trong “nguy” luôn có “cơ”, đối mặt với tình trạng khó khăn, thách thức, nhiều DN xem giai đoạn này là cơ hội tốt để thay đổi chiến lược, cải tiến mô hình kinh doanh nhằm thích nghi với “trạng thái bình thường mới”. Và những tháng cuối năm chính là thời điểm quan trọng để nền kinh tế phục hồi và tăng tốc.

Hiện nay, giới chuyên gia và cộng đồng DN cho rằng, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra.

Khó khăn là điều ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng nếu chắt chiu từng cơ hội, nỗ lực từng hoạt động và chủ động trong bất cứ kịch bản nào, sẽ thấy “những cánh cửa” mở ra, để cộng đồng DN có niềm tin vững bước trên chặng đường phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực phục hồi và tăng tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO