Nỗ lực trở lại ‘bình thường mới’

LÊ ANH 08/09/2021 06:40

Ngày 7/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM đã thông tin nhanh một số nới lỏng về giãn cách xã hội của thành phố trong điều kiện bắt buộc là phải đảm bảo được kế hoạch kiểm soát dịch an toàn.

Chuẩn bị tâm thế mới trong tình hình mới

Theo báo cáo của các quận, huyện và TP Thủ Đức ngày 7/9, dù số ca nhiễm mới có chiều hướng còn cao (hơn 7.000 ca nhiễm mới ngày 7/9), tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện luôn duy trì ở con số cao mỗi ngày (hơn 2.900 ca xuất viện ngày 7/9). Do đó, tính đến nay TP HCM đã xuất viện cộng dồn cho hơn 128.000 trường hợp.

Đối với việc triển khai trạng thái “bình thường mới”, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã họp và đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP chọn quận 7 và huyện Củ Chi để thực hiện do đã cơ bản đạt được tiêu chí kiểm soát dịch. Đây là hai địa phương được chọn làm mũi đột phá, dẫn đầu, thí điểm thực hiện các giải pháp chiến lược chuẩn bị cho giai đoạn sau 15/9.

Ngoài ra, các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 11 tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chủ động rà soát, đánh giá mức độ nguy cơ tình hình dịch theo tiêu chí kiểm soát dịch. Trên cơ sở mỗi quận, huyện còn lại và TP Thủ Đức vẽ lại bản đồ Covid-19, bản đồ an sinh, bản đồ vaccine, chuẩn bị tâm thế vượt qua khó khăn, chuẩn bị tâm thế trong điều kiện bình thường mới.

An toàn: Tiêu chí bắt buộc để nới lỏng giãn cách

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, điều kiện tiên quyết để có các giải pháp nới lỏng giãn cách là dựa trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh, an toàn tới đâu mở tới đó, đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, từ nay đến ngày 15/9, TP cơ bản vẫn tiếp tục các biện pháp siết chặt giãn cách giống như từ ngày 23/8 đến hiện tại, nhưng có điều chỉnh. Khi công tác vận hành an toàn, người lao động đảm bảo được các điều kiện, sau ngày 15/9 TP HCM sẽ từng bước mở lại hoạt động thương mại điện tử, shipper, đơn vị vận tải, dịch vụ bưu chính, logistics, sản xuất trang thiết bị ngành y, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, ga, các công trường, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng…

Để giải quyết nhu cầu cho người dân về quê, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, chủ trương này sẽ tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của các tỉnh, thành trong việc đưa người dân về quê. Bà con có nhu cầu có thể liên hệ với các Hội đồng hương, chính quyền các tỉnh, thành để nắm bắt kế hoạch đưa người dân về quê và đăng ký. TP HCM luôn tích cực phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa người dân trở về quê.

Song song đó, TP tiếp tục duy trì hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi Covid-19: những ai thất nghiệp, khó khăn, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch đều được hỗ trợ. Cùng với gói hỗ trợ số 1 và số 2, thành phố cũng triển khai hỗ trợ gạo, túi an sinh để phần nào giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Cụ thể, thành phố sẽ hỗ trợ gạo với mức khoảng 15kg/tháng/người; túi an sinh; vận động giảm - miễn tiền nhà trọ; hỗ trợ tiền điện, tiền nước.

Hiện nay, TP HCM đã chi hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng (bao gồm gần 4.800 tỷ đồng từ ngân sách và 1.200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa); trao hơn 1,6 triệu túi an sinh đến người dân; hỗ trợ gạo theo mức phân bổ của Trung ương.

“Đối với các chính sách, kế hoạch của TP HCM sẽ công bố để người dân biết trước ngày 15/9. Riêng những chính sách vượt thẩm quyền cần xin ý kiến Trung ương thì sẽ phải chờ Trung ương xem xét” - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo hệ thống chính trị thành phố tiếp tục bám sát “pháo đài”, kiểm tra nhắc nhở, cùng làm, cùng chia sẻ ở cơ sở và tận dụng tối đa “thời gian vàng” hơn một tuần lễ tới để đạt được kết quả đề ra. Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải kiểm tra, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại 312 “pháo đài” chống dịch ở phường, xã, thị trấn để tận dụng “thời gian vàng”, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực trở lại ‘bình thường mới’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO