Nợ miễn dịch - nguyên nhân khiến trẻ nhập viện tăng cao

Đức Trân - Thanh Giang 21/11/2022 07:00

Trong vòng 3 tháng gần đây, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, Bệnh viện Nhi trung ương Hà Nội, và ở khoa nhi của nhiều bệnh viện khác, số bệnh nhi đến khám tăng đáng kể.

Rất đông phụ huynh đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh chụp ngày 20/11). Ảnh: Quang Vinh.

Số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như hô hấp, cúm, sốt virus… tiếp tục tăng cao trong thời gian qua, khiến không ít phụ huynh rơi vào tình trạng lo lắng, mệt mỏi vì cứ đi học một vài hôm, con lại ốm. Không ít trẻ đã phải nhập viện vì các biến chứng tăng nặng. Chuyên gia lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là do nợ miễn dịch (hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên) hậu Covid-19.

Bệnh nhi nhập viện tăng dồn dập

Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi trung ương, cơ sở này đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus từ đầu năm đến nay, trong đó có 9 ca trẻ tử vong, bao gồm bệnh nhi không có tiền sử bệnh nền. Theo các bác sĩ, nếu thời điểm trước, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhi tới khám thì đến thời điểm hậu Covid -19 đã lên tới 6.000 bệnh nhân/ngày.

Còn ghi nhận tại Bệnh viện E, mỗi ngày Khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận 100-150 ca bệnh thăm khám phần lớn liên quan đến bệnh cúm RSV, sốt xuất huyết… ThS. BSCKII Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, bệnh nhi cúm mùa gia tăng, nhiều trường hợp phải nằm ghép trong những ngày đầu để chờ giường.

Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 70-80 bệnh nhi thăm khám, trong đó có đến 2/3 là có các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người, nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm B, đặc biệt thường gặp ở nhóm trẻ 6-14 tuổi.

Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch sốt cao, co giật, mê sảng… Trường hợp bé V. A. (3 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trước khi nhập viện 2 ngày bé ho nhiều, sốt cao, chán ăn, nghĩ bé ốm sốt thông thường nên gia đình chỉ cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đi thăm khám… Tuy nhiên ngày thứ 2, trẻ sốt cao lên cơn co giật, lừ người, mê sảng, gọi hỏi không đáp, khi đó chỉ có bà nội ở nhà, hàng xóm phải đưa trẻ đi cấp cứu.

Trong khi đó, tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), các bác sĩ cho biết, số trẻ đến khám và nhập viện tại cơ sở y tế này tăng cao trong những ngày qua. Không ít trường hợp trẻ trở nặng rất nhanh, chỉ trong khoảng từ 1-2 ngày đã diễn biến trở nặng từ hắt hơi, sổ mũi tới viêm phổi phải nhập viện điều trị, cá biệt có trường hợp trẻ rất nặng, cần thở ô xy, thở máy, nguyên nhân chủ yếu là do virus RSV.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Đức Giang thông tin về trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi mặc dù trước đó, gia đình cho biết trẻ chỉ có những dấu hiệu nhẹ như ngạt mũi, khò khè. Các bác sĩ xác định trẻ mắc virus hợp bào hô hấp RSV. “Đây là loại virus có triệu chứng gần như cúm, tuy nhiên trong khi đối với cúm, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày thì khi mắc RSV, trẻ sơ sinh sẽ ngày càng nặng hơn và tới ngày thứ 4-5 của bệnh trẻ có thể có dấu hiệu suy hô hấp” - bác sĩ Nga cho biết.

Tại phía Nam, những ngày gần đây, nhiều bệnh viện nhi cũng liên tục tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhi đến khám và điều trị. Trong đó, nhiều nhất vẫn là những bệnh nhi liên quan đến bệnh đường hô hấp.

Chị Nguyễn Thanh Hà (TPHCM) than thở về việc đưa con đi khám và nhập viện những ngày qua: “Nửa đêm tôi phải ôm con chạy đến khoa cấp cứu vì khó thở. Nhưng Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố không còn chỗ nhập viện phải điều trị ngoại trú. Tôi phải xếp hàng từ 7-11 giờ sáng mới khám ngoại trú xong”. Nhiều phụ huynh tại TPHCM cho biết họ vừa lo lắng, vừa mệt mỏi khi con bị viêm phế quản, viêm phổi,... liên tục. “Vợ chồng tôi mệt bở hơi tai vì suốt ngày đưa con đi khám bệnh. Không hiểu sao 3 đứa nhỏ (từ mầm non đến lớp 4) cứ thay nhau ho, sốt. Bệnh vừa hết khoảng chục ngày rồi tái lại. Tuy nhiên, do bệnh viện quá tải nên 3 con tôi đều phải điều trị ngoại trú” - bà Lê Thị Dung (ở phường Tăng Nhơn Phú, thành phố Thủ Đức) nói.

Ghi nhận tại khu khám bệnh, khoa cấp cứu, hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua luôn trong tình trạng phụ huynh bồng bế trẻ xếp hàng chờ đợi khám bệnh, xét nghiệm, điều trị. TS. BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết: “Bệnh viện vẫn đang bị quá tải bệnh nhi bị bệnh hô hấp, mặc dù số ca mắc đã giảm so với trước. Trong đó có nhiều bệnh nhân nặng”. Theo bác sĩ Tuấn, viêm tiểu phế quản là bệnh bình thường nhưng vẫn có những ca phải hỗ trợ thở ô xy, thậm chí thở máy; rồi trẻ bị hen suyễn thì lên cơn và lên cơn nặng. “Nếu như ở phòng khám chỉ khoảng 60% bệnh nhi ở TPHCM thì trong khoa điều trị lại đảo ngược lại. Tức là có đến 60-70% là bệnh nhi của các tỉnh, thành khác. Sau khi điều trị ở các tỉnh, thành khác không khỏi, bệnh nhi được chuyển đến TPHCM trong điều kiện bệnh nặng hơn” - bác sĩ Tuấn thông tin.

Trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Ảnh: TL.

Cộng hưởng bởi nợ miễn dịch

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trẻ nhập viện tăng đột biến trong vài tháng qua, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho rằng, bên cạnh thời tiết thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển thì có nguyên nhân cộng hưởng do “nợ miễn dịch” sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong đại dịch Covid-19 trước đó.

Được biết, đây là một khái niệm do các nhà khoa học tại Pháp đưa ra vào năm 2021 gợi ý rằng trẻ em khi không tiếp xúc nhiều với các virus và mầm bệnh trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 khiến cho hệ miễn dịch trẻ yếu hơn. Nghiên cứu này cho rằng, giờ đây khi cuộc sống bình thường trở lại, các trẻ này tiếp xúc nhiều với các loại virus, vi khuẩn khiến cho trẻ bị bệnh nhiều hơn do hệ miễn dịch bị thiếu hay bị “nợ”.

PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy giải thích: “Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 trước đây như: Giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang,... cũng góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường. Mặc dù các biện pháp này đem lại những tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi không còn áp dụng các biện pháp này phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia các hoạt động ngoài trời và các hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên”.

Cũng theo bác sĩ Thúy, một nguyên nhân khác là do Covid-19: “Dù mắc Covid-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng thì đáp ứng miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Mắc Covid-19 còn gây giảm số lượng hoặc chức năng tế bào trình diện kháng nguyên. Thậm chí còn gây tăng các cytokine kháng viêm, làm tăng các phản ứng viêm quá mức, đặc biệt tại đường hô hấp, cản trở hấp thụ ô xy khiến ô xy trong máu giảm thấp, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Suy giảm miễn dịch do Covid-19 còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau mắc Covid-19 trẻ còn có nguy cơ bị nặng hơn. Như vậy, dù không gây ra triệu chứng, nhưng khi mắc Covid-19, virus này vẫn có nguy cơ âm thầm gây suy giảm miễn dịch của trẻ trên toàn hệ thống”.

Về giải pháp khắc phục, bác sĩ Thúy cho biết, trong giải pháp tổng thể, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để tăng cường miễn dịch tự nhiên và chủ động của cơ thể, giúp trẻ chiến đấu với nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Theo đó, dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu quý giá để tổng hợp các thành phần miễn dịch. Các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là kẽm và sắt có vai trò quan trọng trong việc cải thiện miễn dịch cho trẻ. Sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì điều hiển nhiên xảy ra là hệ miễn dịch sẽ suy giảm… Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam tình trạng trẻ em thiếu kẽm và sắt còn cao. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng năm 2019 - 2020 tỷ lệ trẻ em thiếu kẽm ở mức trầm trọng lên 60%, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt. Đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi với thiếu sắt và ngược lại.

Vì vậy, để đảm bảo đủ lượng kẽm, sắt cho nhu cầu hàng ngày giúp nâng cao hệ miễn dịch thì cha mẹ nên bổ sung cho trẻ bằng sản phẩm dạng lỏng dễ uống, dễ hấp thu. Cha mẹ nên chọn các sản phẩm có cả sắt và kẽm đủ nhu cầu hàng ngày, đặc biệt sắt: kẽm có tỷ lệ 1:1 sẽ giúp hỗ trợ tối ưu việc hấp thu và thuận tiện cho việc sử dụng.

Trẻ bị sốt co giật xử lý cấp cứu như thế nào?

Theo BSCKI Nguyễn Đạt Thịnh - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, sốt co giật thường xảy ra ở trẻ 6 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi và nhiều nhất ở trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi. Sốt trên 39 độ C nguy cơ co giật xảy ra. Trước khi co giật, trẻ thường sốt, 2 tay nắm lại. Sau đó, giật 2 tay, 2 chân, mắt trợn lên. Cơn co giật thường diễn ra rất nhanh, có thể từ 1 - 5 phút. Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh cho bé nằm ở nơi an toàn, chèn chăn mền xung quanh giảm chấn thương. Cho bé nằm nghiêng người về bên trái, đầu thấp xuống để đờm nhớt chảy ra. Dùng thuốc nhét đường hậu môn để hạ sốt, lau mát. Khi bé tỉnh lại nên đưa bé đến bệnh viện để thăm khám và điều trị hiệu quả.

TS. BS Lê Thị Thu Hương - Hội Hô hấp Việt Nam:

Chú trọng miễn dịch cho trẻ trong suốt thai kỳ

Một khái niệm cũng cần làm rõ là “khoảng trống miễn dịch” - Đây là khoảng thời điểm cơ thể của em bé còn non nớt, chưa tạo được các yếu tố miễn dịch giúp chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giai đoạn này thường gặp ở trẻ dưới 36 tháng tuổi. Khái niệm này cũng lý giải cho câu hỏi vì sao trẻ dưới 36 tháng tuổi rất dễ bị ốm. Để hạn chế nguy cơ trẻ ốm trong giai đoạn rất dễ tổn thương nói trên, điều đầu tiên cần nhắc tới là trẻ nhận được các yếu tố miễn dịch từ mẹ trong quá trình mang thai và trong 6 tháng đầu đời, bé nhận được kháng thể từ mẹ qua sữa mẹ. Do vậy, để giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn, trong giai đoạn bào thai và 6 tháng đầu đời, chúng ta cần chăm sóc đặc biệt sức khỏe của người mẹ để có thể sản xuất được nhiều kháng thể cung cấp cho bé.

Từ 6 tháng trở lên, trẻ bắt đầu tự sản xuất được các yếu tố miễn dịch. Lúc này, việc tiêm phòng cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi điều này giúp tôi luyện cho hệ miễn dịch của trẻ trưởng thành, giúp trẻ có thể chống lại những bệnh lý nguy hiểm.

Nghĩa Toàn(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ miễn dịch - nguyên nhân khiến trẻ nhập viện tăng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO