Nội dung kiến nghị và trả lời của các bộ, ngành

(Còn nữa) 23/10/2019 08:10

Trong số báo 295, ra ngày 22/10/2019, báo Đại Đoàn Kết đã giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, do Bí thư Trung ương ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cùng với “Phụ lục 1” của Báo cáo. Từ số báo này, Đại Đoàn Kết lần lượt trích giới thiệu nội dung cơ bản kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tại “Phụ lục 2”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Công văn số 7388/BNN-KH ngày 4/10/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan và địa phương chủ động trong dự báo, thông tin thị trường cho người dân.

Bộ NNPTNT đã thực hiện: Thời gian qua, hệ thống thông tin thị trường ở Trung ương và địa phương đã được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng loại thị trường; kịp thời thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân để điều chỉnh sản xuất phù hợp. Hàng tháng, Cục Chế biến và Phát triển thị thường nông sản đã cung cấp “Thông tin thị trường nông sản” đến các Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm đưa thông tin nhanh nhất đến các hộ sản xuất và các doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cũng thường xuyên phản ánh, cung cấp thông tin gửi về Bộ NNPTNT để tổng hợp, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành.

Bộ đẩy mạnh phối hợp với Tham tán thương mại tại các nước nhằm kết nối, trao đổi thông tin, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, phục vụ quảng bá nông sản Việt Nam đến người tiêu dùng, đối tác ngoài nước. Mặt khác, Bộ đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường các mặt hàng nông sản chất lượng cao, an toàn, hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

Nội dung kiến nghị: Khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp.

Bộ đã thực hiện: Ban hành Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 để quy định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

Phối hợp với các Bộ ngành tham mưu trình Chính phủ nhiều chính sách: Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP); khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ (Nghị định số 109/2018/NĐ-CP); tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định: số 116/2018/NĐ-CP); bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định số 58/2018/NĐ-CP); khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg); đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định số 63/2018-NĐ-CP)… Đến nay, cả nước đã có trên 11.100 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp; trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông... đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ sẽ thực hiện: Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, như: (1) Sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, thương mại. (2) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Nội dung kiến nghị: Xây dựng thương hiệu nông sản.

Bộ đã và đang thực hiện: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai xây dựng thương hiệu một số mặt hàng chủ lực: gạo, cà phê, cá tra và tôm, kết quả cụ thể như sau: Thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE; công bố Logo thương hiệu và ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam. Hiện nay, Bộ đang tích cực hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid. Thương hiệu cà phê chất lượng cao, thương hiệu các mặt hàng thủy sản (tôm, cá tra) đang được triển khai một cách quyết liệt; các đơn vị chuyên môn đang khẩn trương xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng này.

Bộ sẽ thực hiện: Tiếp tục chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực khác của ngành nông nghiệp nhằm tạo sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thị trường quốc tế, đem lại giá trị gia tăng, thu nhập ổn định cho người nông dân và doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các thương hiệu đặc sản vùng miền, thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm...

Tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương thực hiện Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản (Quy chế số 2222/QCPH-BKHCN-BNNPTNT-BCT ngày 8/8/2018) để phát triển các thương hiệu đặc sản vùng miền ở nước ta.

Để triển khai việc xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản một cách bài bản, chuyên nghiệp, có định hướng, lộ trình và khả thi trong thực tiễn, Bộ NNPTNT sẽ thực hiện một số giải pháp: + Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản và chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam; + Tiếp tục hỗ trợ thiết lập các hệ thống cung cấp giống, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng; thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm; + Phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản; + Tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề, hạn chế sản xuất tự phát, làm mai một danh tiếng các sản phẩm đặc sản địa phương.

Nội dung kiến nghị: Giải pháp đột phá cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Bộ đã thực hiện: Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020; Bộ đã phối hợp rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, cơ cấu sản xuất ngành, lĩnh vực trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, vùng, miền và nhu cầu thị trường; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi… và đạt được một số kết quả: + Cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Ví dụ: trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản đã tăng từ 20,48% năm 2012 lên 22% năm 2018; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 2,54% năm 2012 lên 2,74% năm 2018. Tỷ trọng giá trị gia tăng thủy sản tăng từ 18,7% lên 20,8%, lâm nghiệp tăng từ 3,7 lên 4,5%. + Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều. Bộ đã tiến hành điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ và khuyến nông theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch; nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến đã được chuyển giao cho sản xuất.

+ Thị trường xuất khẩu ngày càng được củng cố và mở rộng. Xuất khẩu nông sản tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh: Giai đoạn 2013-2018 đạt 197,51 tỷ USD, bình quân đạt 32,9 tỷ USD/năm; thặng dư thương mại chiếm khoảng 20-25% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2018 đạt mức 40,02 tỷ USD về tổng kim ngạch, tăng 47% so với năm 2012. Năm 2019, ước đạt khoảng 41-42 tỷ USD. Có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Bộ sẽ thực hiện: Cùng với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp có tính đột phá cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất như sau: + Về quy hoạch phát triển ngành: Triển khai xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Tiếp tục rà soát các ngành, nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch bị bãi bỏ, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. + Về cơ chế chính sách: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách để hỗ trợ công tác cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho nông dân và doanh nghiệp. + Về thị trường tiêu thụ nông sản: (1) Đối với thị trường trong nước: Tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý; các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm... (2) Đối với thị trường quốc tế: Tận dụng các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTAs), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực; đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao và thị trường Trung Quốc. + Về khoa học công nghệ và khuyến nông: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch….

Nội dung kiến nghị: Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bộ đã thực hiện: Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để quán triệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức hàng chục đoàn công tác đến các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP; phối hợp với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO) và các nước hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh và tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin DTLCP.

Các giải pháp trong thời gian tới: Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương xây dựng và tổ chức kế hoạch tổng thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo: (1) Rà soát lại và hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở địa phương. (2) Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo quy định. (3) Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý nhanh các ổ dịch. (4) Chấp hành nghiêm quy định về vệ sinh, tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường. (5) Thành lập các trạm kiểm dịch bảo đảm yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật trên trục đường quốc lộ.

Các doanh nghiệp, người chăn nuôi triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn lợn giống, đặc biệt đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội dung kiến nghị và trả lời của các bộ, ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO