Nỗi lo bạo lực học đường

Gia Bảo 21/03/2021 09:00

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng lại xôn xao về những cái tin thật giật gân như: Thành phố Hồ Chí Minh, nữ sinh lớp 10 đánh bạn kinh hoàng trong lớp học; Một nữ sinh THPT đánh bạn trong nhà vệ sinh, một nữ sinh quay clip đưa lên mạng xã hội (ở Nam Định)…

Tìm thêm trên mạng internet thông tin về những vụ việc tương tự mới thấy thật đáng báo động. Chỉ trong vòng gần một tháng, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường với mức độ, tính chất nghiêm trọng.

Gần đây nhất là vụ việc tối 9/3, học sinh của Trường THPT Lê Duẩn (thành phố Buôn Ma Thuột) có mâu thuẫn với một nhóm thanh, thiếu niên nên hẹn nhau đến khu vực hồ Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, cả hai nhóm đã dùng hung khí dao, gạch, đá… tấn công nhau, khiến một thiếu niên nhập viện cấp cứu.

Hay vụ việc ngày 4/3, khi hai nhóm học sinh của các Trường THPT trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột hẹn nhau ra quán nước trên đường Hồ Tùng Mậu (thành phố Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, hai nhóm với khoảng 30 em (trong đó có học sinh) đã lao vào đánh nhau.

Đặc biệt, vào ngày 3/3, một nhóm học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đã đánh hội đồng một bạn học ngay trong nhà vệ sinh của trường học với sự chứng kiến, thậm chí “cổ vũ,” chia sẻ trực tiếp lên mạng xã hội của nhiều học sinh xung quanh…

Hầu hết những vụ việc trên đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong quá trình học tập tại trường. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân, tác động khác nhau, các em giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và gây nên những hậu quả nặng nề.

Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi ngành giáo dục, gia đình, xã hội phải có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn kịp thời, không để lại những hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, cần quản lý chặt hơn việc học sinh sử dụng điện thoại, tham gia mạng xã hội. Đồng thời nắm bắt tâm tư, những biểu hiện bất thường của học sinh để phối hợp cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong bất cứ môi trường giáo dục nào, hãy để cho học trò có niềm tin về sự bảo vệ và thương yêu. Bất cứ lúc nào, khi có điều gì cần tâm sự, hãy giúp các em tìm được nơi để giãi bày. Đó có thể bắt đầu bằng sự mở lòng của chính những người cô, người thầy, hay những phòng tư vấn tâm lý học đường được ra đời vì tình yêu và vì sự phát triển của người học… Có như vậy, các em có thể phần nào bớt đi được những bức xúc trong lòng, tránh được những mâu thuẫn xảy ra và những hành xử thiếu văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo bạo lực học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO