Nỗi lo khi con đi học

Nam Việt 14/11/2020 08:27

Thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo đề xuất tăng học phí tất cả các cấp học từ năm học tới, đang gây xôn xao dư luận. Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Học phí là nỗi lo của nhiều gia đình.

Vậy, trên cơ sở nào để Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí?

Có thể hiểu rằng, căn cứ vào dự báo tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm khoảng 4-5% năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm, từ đó Bộ GDĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% ở bậc đại học so với năm học 2020-2021. Học phí mầm non, phổ thông tăng 7,5%.

Cũng theo Bộ này, học phí được điều chỉnh tăng theo tỉ lệ tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân.

Nhìn chung, việc xã hội hóa, “nền kinh tế chia sẻ” là xu hướng. Nhưng chia sẻ thế nào, mức nào, lúc nào lại là việc rất đáng bàn.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến nhân loại lao đao. Bắt đầu từ đầu năm, dịch bùng phát ít ra đã là 2 đợt, nhiều nền kinh tế lớn thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng, rơi vào khủng hoảng - cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vào cuối năm 2020, hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng cực thấp, tăng trưởng âm. Với nhiều biện pháp phòng, chống quyết liệt, Việt Nam đã không rơi vào khủng hoảng khi mà số người mắc SARS-CoV-2 ít, người tử vong do Covid-19 rất ít. Tuy nhiên, khi đã hội nhập sâu rộng thì nền kinh tế Việt Nam cũng chịu chung khó khăn của thế giới, vì không thể “một mình một chợ” được.

Dù được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng tăng trưởng GDP năm 2020 này của Việt Nam cũng chỉ có thể ở mức dưới 2%, trong khi kế hoạch đặt ra là 6,8%. Cũng không thể nói đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt trong năm nay, mà các dự báo cho thấy tác động tiêu cực của nó còn kéo dài, ngấm sâu. Trong điều kiện thuận lợi thì tăng trưởng GDP của nước ta năm 2021 cũng chỉ ở mức phấn đấu 6%.

Một lần nữa cần nhắc lại rằng, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn đối với kinh tế nước nhà. Đại dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” hoặc phải giải thể (nhất là với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ). Người lao động cả ở thành thị lẫn nông thôn đều bị giảm thu nhập, không ít người mất việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Chính vì thế Chính phủ đã phải tung ra những gói hỗ trợ lớn (cho doanh nghiệp và cho những đối tượng khó khăn, hộ nghèo) với con số hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Thực tế là thế, Chính phủ đã phải tìm mọi cách để “tiếp sức” cho doanh nghiệp, cho dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Không ít doanh nghiệp lớn (kể cả độc quyền) đã không được tăng giá (ví dụ như ngành điện), chỉ là nhằm mục đích góp phần an sinh xã hội, không đẩy khó khăn về phía người dân.

Chưa hết, năm nay cũng là năm thiên tai ghê gớm. Suốt từ đầu tháng 10 đến nay miền Trung phải chịu bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất kinh hoàng. Hàng trăm ngàn ngôi nhà bị dìm trong làn nước dữ. Hoa màu tan nát. Tài sản của người dân trôi theo dòng nước. Cả nước đã hướng về miền Trung với truyền thống tương thần tương ái, “lá lành đùm lá rách”, sẻ chia cho nhau từng chiếc bánh chưng, từng gói mì tôm…

Điều đó chắc chắn ngành Giáo dục cũng biết.

Vì thế, việc đề xuất tăng học phí lần này, vào thời điểm này không chỉ là “phản cảm” mà phải nói thẳng rằng rất không nên. Đa số người dân gặp khó khăn vì đại dịch, rất nhiều người dân mất của mất nhà vì thiên tai, phải để người dân gượng dậy đó mới chính là việc phải làm, phải sẻ chia.

Cũng thật đúng vào lúc Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí thì có chuyện thanh tra công bố sai phạm trong hoạt động tài chính tại một trường Tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bà Hiệu trưởng trường này đã vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý điều hành hoạt động tài chính tại trường, khi bỏ ngoài sổ sách kế toán hơn 735 triệu đồng. Trong đó có các khoản: Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn của học sinh, sổ liên lạc điện tử, Anh văn tự chọn, các nguồn thu theo thỏa thuận...

Hóa ra nhà trường cũng nhiều nguồn thu lắm, cũng nhiều tiền lắm (ở đây là trường thành phố). Mà các khoản thu đó đều từ dân mà có chứ không phải nhà trường “làm ra được”.

Lâu nay, câu chuyện lạm thu trong nhà trường, thương mại hóa môi trường giáo dục khiến dư luận bất bình. Thực tế cho thấy, cho dù có xã hội hóa để tìm nguồn thu thêm cho nhà trường, hay là tăng học phí, tăng đầu tư từ Nhà nước thì việc lạm thu vẫn diễn ra. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ việc thu chi trong nhà trường đã không được kiểm soát chặt chẽ và cùng đó là lợi dụng chủ trương xã hội hóa để “tận thu” từ người học.

Mà điều đó là không thể chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo khi con đi học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO