Nỗi lo viêm gan virus

Đức Trân 06/10/2021 05:55

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm gan virus gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng. Đây là căn bệnh gây ra gánh nặng toàn cầu với hàng trăm triệu người đang sống chung với nó và hàng triệu ca tử vong hàng năm.

Viêm gan virus là bệnh viêm gan do nhiều loại siêu vi trùng (virus) khác nhau gây ra. Hiện nay, có đến 6 loại virus gây viêm gan và được đặt tên lần lượt là siêu vi A, B, C, D, E, G. Hầu hết các siêu vi trên đều gây viêm gan cấp tính nhưng viêm gan do siêu vi A và E thường tự khỏi, còn siêu vi B, C, D có thể diễn tiến kéo dài thành viêm gan mạn tính, rồi dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan...

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.

Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 2 về ung thư gan bởi 2 lý do chính: Tỷ lệ viêm gan virus cao và sử dụng rượu bia nhiều. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư gây ra nhiều ca tử vong nhất, trên 25.000 ca hàng năm.

Một thông tin khác được TS.BS Nguyễn Thị Thúy Vân - cán bộ WHO tại Việt Nam chia sẻ, khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam chiếm hơn 1/3 số người mắc viêm gan B trên toàn cầu, và 17% số ca mắc viêm gan C trên toàn thế giới. Như vậy, viêm gan virus đang là gánh nặng toàn cầu nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Viêm gan C chia thành hai giai đoạn, cấp tính và mạn tính. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sau 6 tháng không đào thải được virus, 85% trường hợp nhiễm viêm gan C cấp tính sẽ chuyển thành viêm gan C mạn tính ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu bệnh nhân được tầm soát, phát hiện, điều trị sớm và đúng cách thì nguy cơ này sẽ giảm mạnh. Điều nguy hiểm nhất đối với người bệnh là sự tiến triển rất thầm lặng từ 10 - 30 năm, vì thế bệnh nhân thường không phát hiện và điều trị kịp thời.

Tương tự, đa số người bị nhiễm viêm gan B đều không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác. Viêm gan B tấn công gan “thầm lặng” trong nhiều năm mà bệnh nhân không hề hay biết. Khi bệnh nhân cảm thấy các vấn đề về sức khỏe cần đi khám thì bệnh thường đã vào giai đoạn có biến chứng xơ gan, ung thư gan...

Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng viêm gan B được coi là phương pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Vaccine viêm gan B bao gồm kháng nguyên vô hại của virus HBV, có tác dụng kích thích hệ miễn dịch cơ thể tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt của virus HBV. WHO khuyến cáo cần tiêm vaccine phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.

Ngoài ra, để phòng ngừa các bệnh viêm gan do virus trước tiên cần kiểm soát đường lây nhiễm. Theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Vân, đối với bệnh viêm gan virus A và E cần nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng. Không ăn những thực phẩm còn sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh... Uống nước đun sôi để nguội. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho em bé, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy.

Đối với bệnh viêm gan virus B, C và D, không dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm mình, môi, lông mày và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo... với người khác. Không để các vết thương bị hở tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo viêm gan virus

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO