Nới room tín dụng và cơ chế cho vay đặc biệt

Thúy Hằng (thực hiện) 12/12/2022 07:30

Thời điểm cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp cần tiếp vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và kết thúc năm tài khoá, cũng như chuẩn bị phương án hoạt động cho năm tới. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đã cùng PV Báo Đại Đoàn Kết trao đổi về vấn đề này.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

PV:Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng cũng không hề đơn giản, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Hiện cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn ở cả hai mặt: chi phí vay vốn tăng và room tín dụng của các ngân hàng đang bị siết chặt dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng toàn hệ thống. Sự khó khăn của các DN thấy rõ qua việc nhiều DN không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Nhiều DN bị từ chối cho vay, nhiều DN không được giải ngân mặc dù hồ sơ tín dụng đã được phê chuẩn. Ngay cả khi DN sẵn sàng trả lãi suất cao thì cũng “bó tay” vì room tín dụng của ngân hàng đó đã cạn kiệt.

Bên cạnh vấn đề room, các ngân hàng cũng bị hạn chế cho vay trung và dài hạn do quy định của NHNN với tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34% đã được áp dụng từ ngày 1/10/2022. Với những ngân hàng đã chạm tỷ lệ này thì chỉ còn 2 phương án: huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất cao, hay từ chối nhận thêm các món vay trung và dài hạn. Các DN kinh doanh bất động sản và các công trình đầu tư dài hạn đang phải chịu tác động bởi quy định này.

Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho DN hiện nay đang được triển khai rất chậm. Phần lớn DN cho biết họ không tiếp cận được gói này hay không đáp ứng được các điều kiện. Còn các ngân hàng lại rất lúng túng trong việc triển khai.

Cùng với việc nguồn vốn từ ngân hàng đang bị hạn chế, các nguồn vốn khác cũng đang khép lại. Thị trường cổ phiếu hay thị trường trái phiếu gặp khó khăn. Trong khi đây lại là thời điểm các DN cần vốn hơn bao giờ hết. Nhiều DN vừa trỗi dậy sau một thời gian ngưng trệ sản xuất kinh doanh vì đại dịch nên cần tiếp vốn để phục hồi lại hoạt động kinh doanh. Thời điểm cuối năm cũng là lúc các DN cần tiếp vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và kết thúc năm tài khoá, cũng như chuẩn bị phương án hoạt động cho một năm sắp tới.

Vừa qua NHNN đã sử dụng hàng loạt biện pháp để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô như nới room tín dụng, tăng lãi suất điều hành. Ông đánh gì về những biện pháp này?

- NHNN đang sử dụng nhiều công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: tăng lãi suất điều hành và tăng trần lãi suất tiết kiệm, tăng room tín dụng, tăng biên độ giao dịch tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng đang khó khăn về thanh khoản với mục đích ổn định giá trị tiền đồng, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ các ngân hàng và các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, những giải pháp của chính sách tiền tệ cũng tạo ra những khó khăn cho DN. Đặc biệt là gây khó khăn cho các DN nhập khẩu khi tỷ giá tăng đến gần 10%, cộng thêm lạm phát nhập khẩu, làm giá thành hàng nhập khẩu bị đội lên rất cao, xói mòn lợi nhuận. Cộng với việc lãi suất tăng thì việc đi vay ngân hàng của các DN cũng trở nên khó khăn vì nhiều ngân hàng cũng đã sử dụng hết room tín dụng. Dù NHNN vừa nới room tín dụng nhưng không phải ngân hàng thương mại nào cũng được nới mà còn xem xét vào quá trình lịch sử hoạt động trước đó.

Vậy theo ông vẫn phải cần thêm giải pháp gì?

- Trong bối cảnh khó khăn của cả nền kinh tế, hai chính sách lớn nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn.

Chẳng hạn, việc nới room tín dụng cho các ngân hàng là nhiệm vụ của NHNN, nhưng cần có sự phối hợp với Bộ Tài chính để ngoài những tiêu chí của riêng NHNN như hoạt động hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu thấp, tính tuân thủ các quy định của NHNN, cần xét đến các chỉ tiêu phi tài chính như ngân hàng có những khách hàng đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia, sử dụng nhiều lao động, bảo vệ môi trường… Ở chiều ngược lại, NHNN cần có những thông tin cập nhật và chính xác về các cá nhân hay tổ chức trốn thuế do Bộ Tài chính cung cấp để có những biện pháp, chế tài với các ngân hàng đang hỗ trợ các cá nhân hay tổ chức đó.

NHNN cũng có thể sử dụng cơ chế cho vay đặc biệt với lãi suất thấp và thời hạn ngắn. Các ngân hàng chào mời lãi suất huy động cao cần được NHNN để ý và ngăn chặn cuộc đua lãi suất có thể trở thành rủi ro cho nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nới room tín dụng và cơ chế cho vay đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO