Room tín dụng, nới hay bó cứng?

H.Hương 26/11/2022 08:00

Doanh nghiệp đang đề nghị nới room tín dụng cho thời gian còn lại của năm 2022 do tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Giới chuyên gia cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng nới thêm room tín dụng 1-2% để tạo đà cho năm tới, nếu không nền kinh tế sẽ đứt đà tăng trưởng.

Tín dụng 10 tháng tăng 11,5%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn kiểm soát với các lĩnh vực rủi ro

Trong văn bản mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022, cơ quan này yêu cầu, các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng, chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ nhưng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

NHNN cho biết, tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho thấy đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Do đó, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, dù room tín dụng vẫn còn khoảng 2% chưa giải ngân hết, song các ngân hàng đang trong thế kẹt. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trên thị trường đã có tỷ lệ cho vay/huy động tại thị trường 1 vượt mức 90%, thậm chí không ít ngân hàng vượt 100%, nghĩa là số tiền ngân hàng cho vay đã vượt quá cả số vốn huy động.

Tình trạng căng thẳng nguồn vốn của hệ thống khá dễ hiểu khi tín dụng 10 tháng tăng 11,5%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn.

Cần linh hoạt hơn

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho biết, những tháng đầu năm nay, tín dụng tăng rất mạnh do nhu cầu phục hồi kinh tế. Room tín dụng dự kiến cả năm khoảng 14%, nhưng có những thời điểm, tốc độ tăng room tín dụng lên tới 17% so với cùng kỳ. Trong những thời điểm đó, tổng cung tiền lại chỉ tăng 5-6%, khiến thanh khoản của không ít ngân hàng gặp nhiều khó khăn, buộc phải tăng lãi suất đầu vào.

Tất nhiên, cung tiền khan hiếm của nền kinh tế không chỉ do tín dụng tăng, mà còn do nhiều yếu tố khác, như giải ngân vốn đầu tư công chậm, thị trường trái phiếu, bất động sản khó khăn… Ngoài ra, tín dụng tăng nhanh nửa đầu năm sau đó hãm phanh đột ngột cũng đòi hỏi nhà điều hành rút kinh nghiệm.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì phân chia room tín dụng, NHNN nên giao hẳn chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để ngân hàng và doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh. Việc NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng lắt nhắt nhiều lần làm một số tổ chức tín dụng nảy sinh tâm lý kỳ vọng, thậm chí chạy đua tăng tốc tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm để “ép” nhà điều hành phải nới room trong những tháng cuối năm.

“Nếu NHNN vẫn coi room tín dụng là công cụ tốt để kiểm soát dòng tiền, thì có thể giao ngay từ đầu năm trên cơ sở ưu tiên sức khỏe của từng ngân hàng cũng như ưu tiên từng lĩnh vực cấp tín dụng. Tuy vậy, nếu siết chặt các tỷ lệ an toàn vốn, tôi cho rằng, việc nới room, thậm chí là bỏ room tín dụng cũng không đáng ngại”- một chuyên gia kinh tế nhận định.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, NHNN không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao, nhất là cho vay đầu tư chứng khoán. Riêng với tín dụng bất động sản, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội…

Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lãi suất điều hành tăng nhưng cơ quan này sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tăng năng lực quản trị, từ đó giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, họ không kỳ vọng nhiều vào việc này bởi quyền cho vay thuộc về các ngân hàng thương mại. Hiện nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng và không được cấp thêm, trong khi các DN có nhu cầu vay vốn khiến nguy cơ lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, khi nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất tăng mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Room tín dụng, nới hay bó cứng?