'Nóng, khát và kiệt sức': Cuộc sống ở nơi nóng nhất Trái đất

Mai Nguyễn (Theo VICE) 17/06/2022 12:17

Jacobabad, một thành phố Pakistan 300.000 dân, được xem là 'địa ngục' trên mặt đất giữa một hành tinh đang nóng lên từng ngày. Các nhà khoa học cho biết vùng đất này có thể sẽ không còn tồn tại trong vài thập kỷ tới.

'Nóng, khát và kiệt sức'

Những người bán nước ngoài đường đều rất nóng, khát và kiệt sức. Đã 9h sáng và mặt trời lên cao gay gắt. Những người bán nước xếp hàng dài và nhanh chóng đổ đầy hàng chục chai 5 gallon từ một trạm bơm nước ngầm đã lọc. Một số người già, nhiều người trẻ, một số khác là trẻ em.

Hàng ngày, họ đều xếp hàng tại một trong 12 nhà ga tư nhân ở thành phố phía Nam Pakistan và mua nước để bán lại cho người dân địa phương. Họ chở nước trên những chiếc xe máy hoặc xe lừa, mang nguồn sống đáp ứng cho những nhu cầu cơ bản nhất tại một trong những thành phố nóng nhất trên thế giới.

Jacobabad, một thành phố 300.000 dân, là một trong hai thành phố trên Trái đất đã vượt qua ngưỡng nhiệt và độ ẩm, nóng hơn mức cơ thể con người có thể chịu đựng. Nhưng đây lại là vùng đất được cho là dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Một đứa trẻ trong cộng đồng nông dân trồng lúa ở Jacobabad. Ảnh: VICE.
Một đứa trẻ trong cộng đồng nông dân trồng lúa ở Jacobabad. Ảnh: VICE.

Kiệt sức vì nóng và say nắng là một trở ngại hàng ngày mà phần lớn cư dân nghèo của thành phố phải chống chọi, bên cạnh khủng hoảng nước và mất điện kéo dài 12-18 tiếng mỗi ngày. Hầu hết các hộ gia đình đều tiết kiệm để mua một tấm pin mặt trời giúp tiết kiệm điện làm mát. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của thành phố đã không chuẩn bị, cũng như không lên kế hoạch trước một đợt nắng nóng kinh hoàng.

Pakistan là quốc gia nơi có cuộc khủng hoảng nước căng thẳng thứ ba trên thế giới, và tình hình còn thảm khốc hơn nhiều ở thành phố Jacobabad.

Chủ nhà ga - nơi đỗ những chuyến tàu chở nước vào ban đêm, thường ngủ trong điều hòa ở ga, trong khi gia đình anh sống cách đó hơn 400 km. “Cuộc sống ở đây quá nóng để tồn tại”, anh nói, đồng thời khẳng định nguồn nước máy của thành phố không đáng tin cậy và bẩn thỉu, đó là lý do tại sao mọi người mua nước của anh.

Số tiền kiếm được do bán nước hàng tháng là 2.000 USD. Vào những ngày đẹp trời, những người bán nước - những người mua từ anh và bán cho người dân địa phương, sẽ kiếm đủ lợi nhuận để giữ họ ở ngay trên mức nghèo khổ của Pakistan.

“Tôi kinh doanh nước vì tôi không có quyền lựa chọn”, một người bán nước 18 tuổi chia sẻ khi anh đổ đầy các hộp nước màu xanh của mình từ một đường ống ở trạm nước. “Tôi được giáo dục đầy đủ. Nhưng không có bất cứ việc làm nào ở đây dành cho tôi cả”. Anh thường bán những lon nước với giá 5 xu hoặc 10 rupee, bằng một nửa giá của những người bán khác, vì khách hàng cũng nghèo như chính bản thân anh. 1/3 dân số của Jacobabad hiện đang sống trong cảnh nghèo đói.

Người dân uống nước trực tiếp từ trạm nước ở nhà ga tại Jacobabad. Ảnh: VICE.
Người dân uống nước trực tiếp từ trạm nước ở nhà ga tại Jacobabad. Ảnh: VICE.

Theo nhiều cách, thành phố Jacobabad dường như bị mắc kẹt trong quá khứ, nhưng việc tư nhân hóa tạm thời các tiện ích cơ bản như nước và điện ở đây đã mang đến một cái nhìn về tương lai, nơi sóng nhiệt sẽ trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

Thành phố hiện đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài suốt 11 tuần chưa từng có, với mức nhiệt độ trung bình là 47 độ C. Trạm thời tiết địa phương đã ghi nhận mức 51 độ C một vài thời điểm kể từ tháng 3.

“Sóng nhiệt thường rất im lặng. Con người đổ mồ hôi, nhưng mồ hôi nhanh chóng bay hơi. Nước đang bị rút cạn một cách nghiêm trọng khỏi cơ thể người, nhưng con người lại không cảm nhận được. Họ sẽ không thực sự cảm thấy nóng.

Nhưng cơn nóng sẽ đột nhiên khiến con người ngất xỉu”, Iftikhar Ahmed, một quan sát viên thời tiết của bộ phận khí tượng Pakistan ở Jacobabad nói. “Chưa bao giờ thời tiết nóng lâu đến như thế này. Hiện tại nhiệt độ là 48 độ C, nhưng có vẻ như thực tế lên đến 50 độ C. Và mọi thứ sẽ cứ tiếp diễn như vậy cho đến tháng 9”.

Trong nhiều thế kỷ, người bản địa sinh sống ở vùng đất khô cằn miền nam Pakistan đã rút lui khỏi mùa hè tàn bạo nơi đây và chỉ quay trở lại vào mùa đông. Về mặt địa lý, Jacobabad nằm dưới chí tuyến và Mặt trời luôn ở trên cao vào mùa hè.

Trở lại thời điểm 175 năm trước, khi khu vực này thuộc đế quốc Anh, Chuẩn tướng John Jacob đã cho xây dựng một con kênh. Một cộng đồng canh tác lúa lâu năm đã chậm rãi phát triển xung quanh nguồn nước. Thành phố xây dựng xung quanh đã được đặt theo tên của ông: Jacobabad có nghĩa là khu định cư của Jacob.

Tháp Victoria sừng sững như một nhân chứng cho quá khứ của Jacobabad. Ảnh: VICE.
Tháp Victoria sừng sững như một nhân chứng cho quá khứ của Jacobabad. Ảnh: VICE.

Một câu chuyện cũ ở Pakistan

Thành phố này sẽ không thu hút được sự chú ý toàn cầu nếu không có nghiên cứu đột phá vào năm 2020 của Tom Matthews, một nhà khoa học khí hậu hàng đầu đang giảng dạy tại Đại học King's College ở London. Ông đã quan sát thấy Jacobabad của Pakistan và Ras al Khaimah của UAE đang trải qua hình thái nhiệt độ bầu ướt 35 độ C một vài lần.

Đó là hàng thập kỷ trước khi các nhà khoa học dự đoán hành tinh này sẽ phá vỡ ngưỡng 35 độ C. Khi con người tiếp xúc với ngưỡng đó, trong vài giờ sẽ tử vong. Cơ thể con người không thể đổ mồ hôi đủ nhanh hoặc uống nước đủ nhanh để hồi phục sau cái nóng ẩm ướt đó.

Matthews nói: “Jacobabad và lưu vực Indus xung quanh là một điểm nóng tuyệt đối về tác động của biến đổi khí hậu. Khi xem xét một số điều cần lo lắng - từ vấn đề nguồn nước cho đến nhiệt độ khắc nghiệt, đặt lên trên đó chính là một nhóm dân số dễ bị tổn thương - Jacobabad thực sự đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu trên toàn cầu”.

Rất nhiều người dân bị sốc nhiệt và phải nhập viện. Ảnh: VICE.
Rất nhiều người dân bị sốc nhiệt và phải nhập viện. Ảnh: VICE.

Nhưng Matthews cũng cảnh báo rằng 35 độ C là một ngưỡng khá mập mờ trong thực tế. Ông cho biết: “Tác động của nhiệt độ cực ẩm thể hiện rõ trước khi thực tế vượt qua ngưỡng đó. Nhiều người sẽ không thể tản nhiệt đủ tùy thuộc vào công việc họ đang làm, trong điều kiện nhiệt độ bóng đèn ướt thấp hơn ngưỡng đó”.

Matthews cho biết loại nhiệt độ ẩm mà Jacobabad ghi nhận được là rất khó giải quyết nếu không bật máy lạnh. Nhưng vì cuộc khủng hoảng năng lượng của Jacobabad, ông nói rằng những nơi trú ẩn lạnh giá dưới lòng đất là một cách khác để chống chọi với cái nóng khắc nghiệt. Tuy nhiên, điều này đi kèm với rủi ro riêng. Các đợt nắng nóng thường kết thúc bằng những đợt mưa lớn có thể làm ngập các ổ trú ẩn dưới lòng đất.

Không có giải pháp dễ dàng nào cho các đợt nắng nóng ẩm trong tương lai của Jacobabad, nhưng theo các dự báo về khí hậu, chúng sắp xảy ra. “Vào cuối thế kỷ này, nếu sự nóng lên toàn cầu ở mức 4 độ C thì sẽ có những khu vực ở khu vực Nam Á, khu vực Vịnh Ba Tư và khu vực Đồng bằng Hoa Bắc sẽ vượt qua giới hạn 35 độ C đó. Không phải năm nào cũng vậy, nhưng một đợt nắng nóng tồi tệ sẽ diễn ra”, Matthews cảnh báo.

Thời tiết khắc nghiệt không phải là một câu chuyện mới ở Pakistan. Nhưng tần suất và quy mô của nó là chưa từng có.

Những người lao động ngoài trời ở Jacobabad. Ảnh: VICE.
Những người lao động ngoài trời ở Jacobabad. Ảnh: VICE.

Tiến sĩ Sardar Sarfaraz, Trưởng nhóm Khí tượng của Pakistan, nói với VICE World News rằng: “Sự chênh lệch giữa nhiệt độ ban ngày và nhiệt độ ban đêm đang giảm dần trên khắp Pakistan, điều này thật đáng báo động. Thứ hai, lượng mưa đang thay đổi. Đôi khi mưa lớn như chúng ta đã gặp vào năm 2020, với trận lũ lụt đô thị ở Karachi. Và đôi khi lại khô hạn đến không tưởng.Từ tháng 2 đến tháng 5/2022, 4 tháng khô hạn liên tiếp, là những tháng khô hạn nhất trong lịch sử của Pakistan”.

Nắng nóng khô hạn năm nay gây hại cho mùa màng nhưng may mắn thay, ít gây chết người hơn. Vào năm 2015, một đợt nắng nóng ẩm ướt đã giết chết 2.000 người trên khắp tỉnh Sindh của Pakistan.

Ra đi không phải là một lựa chọn

Sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu tác động trực diện vào người dân Jacobabad. Mùa hè khắc nghiệt trùng thời điểm với mùa thu hoạch lúa cao điểm. Nhưng đối với nhiều người, ra đi không phải là một lựa chọn.

Khair Bibi là một nông dân trồng lúa, cô sống trong một ngôi nhà bằng bùn có thể được xây dựng từ vài thế kỷ trước, với một tấm pin năng lượng mặt trời để chạy quạt. “Mọi thứ đều khó khăn hơn vì chúng tôi nghèo”, cô kể khi ru đứa con 6 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng của mình trên một chiếc võng vải dưới bóng râm.

Gia đình của Khair Bibi hiểu rằng, hệ thống kênh của Jacobabad để tưới ruộng và tắm cho gia súc của họ đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm theo thời gian, chính vì vậy họ đã mạo hiểm mua nước lọc từ những người bán nhỏ lẻ để sử dụng hàng ngày.

Đó chỉ là một trong nhiều nguy cơ sức khỏe phải đối mặt khi sống ở thành phố này.

Những đứa trẻ chỉ có thể chơi đùa đến 10 giờ sáng, trước khi nắng nóng quá gay gắt. Ảnh: VICE.
Những đứa trẻ chỉ có thể chơi đùa đến 10h sáng, trước khi nắng nóng quá gay gắt. Ảnh: VICE.

Những đứa trẻ sống gần trang trại lúa của Khair Bibi chỉ có thể chơi ngoài trời vào sáng sớm trước khi bầu trời sôi sục. Chúng làm trò chơi ‘doh’ từ bùn trong khi trâu nước tắm mát trong ao. Một tháp điện đồ sộ thấp thoáng sau lưng những đứa trẻ.

Thành phố Jacobabad được kết nối với mạng lưới điện của Pakistan, nhưng quốc gia này lại đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng. Và các thành phố nghèo nhất, chẳng hạn như Jacobabad, sẽ nhận được ít điện nhất.

Bất chấp mọi thách thức khi sống ở đây, dân số của Jacobabad ngày càng tăng. Jacobabad nghèo, nóng nực và bị bỏ rơi, nhưng cộng đồng của thành phố này đã cùng nhau giúp đỡ chính mình. Tình bạn thân thiết thể hiện rõ trên các con đường của thành phố, nơi có các khu vực râm mát miễn phí với máy làm mát cùng những ly nước và trong các nhà máy sản xuất gạo, nơi công nhân chăm sóc lẫn nhau.

“Khi một công nhân bị kiệt sức do nhiệt, gục xuống thì chúng tôi sẽ đưa đi khám. Nếu chủ sở hữu nhà máy trả tiền viện phí, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu họ không làm vậy, chúng tôi góp tiền từ túi của mình”, Sarwar, công nhân nhà máy gạo cho biết.

Những xe nước trái cây giải khát ở Jacobabad. Ảnh: VICE.
Những xe nước trái cây giải khát ở Jacobabad. Ảnh: VICE.

Các chợ ven đường của Jacobabad bán đá tảng với giá 50 xu hoặc 100 rupee để mọi người mang về nhà, và họ bán nước trái cây tươi ướp muối theo mùa để giải nhiệt và bổ sung điện giải với giá 15 xu hoặc 30 rupee.

Tuy nhiên, người dân địa phương ở Jacobabad có quá nhiều trận chiến phải đối mặt trong hiện tại, và luôn lo lắng về tương lai của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nóng, khát và kiệt sức': Cuộc sống ở nơi nóng nhất Trái đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO