Nông sản giá giảm, tiêu thụ khó

Thanh Vân 07/09/2021 07:29

Dịch Covid-19 hoành hành ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá nông sản cũng như mức tiêu thụ. Cũng vì thế tại một số địa phương các mặt hàng nông sản tồn đọng khá lớn.

Nhiều loại nông sản tồn đọng

Tại Hưng Yên, người trồng nhãn cho biết, năng suất nhãn ở các vườn năm nay chỉ đạt 30%, do tỷ lệ đậu quả thấp. Vườn nào được quả cũng chỉ bằng 1/3 sản lượng so với các vụ trước. Người trồng nhãn thất thu nặng nhất từ trước đến nay.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lâm cũng như nhiều hộ trồng nhãn ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, các vườn nhãn ban đầu tỷ lệ ra hoa đạt 95%, nhưng khi đậu quả gặp mưa a xít, hoa bị thui, quả cũng bị hỏng, nhiều vườn mất trắng. Tương tự, huyện Khoái Châu có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh, dù ra hoa đậu quả muộn hơn nhưng cũng mất mùa, năng suất chỉ đạt 35% so với các vụ trước.

Mất mùa, giá nhãn quả tươi cũng giảm từ 30 - 60%. Nhãn loại ngon, các năm trước có giá khoảng trên 50.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 25.000 đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Với nhãn đại trà, các năm trước giá bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 8.000 - 12.000 đồng/kg song vẫn ế ẩm, khó bán. Ông Chu Văn Vang, một hộ trồng nhãn ở xã Đông Kết cho biết, những năm trước, giá nhãn thường luôn ổn định ở mức trên 15.000 đồng/kg, nay chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Bá Nghĩa - Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng Khoái Châu cho hay, để vận chuyển nhãn đi tiêu thụ cần rất nhiều thủ tục giấy tờ phòng chống dịch như xét nghiệm nhanh, giấy xác nhận tiêm phòng... nên rất tốn kém, chi phí đội lên cao hơn cả giá sản phẩm, người trồng nhãn lỗ thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (Tổ công tác 3430), hiện nay, rau quả, chăn nuôi, thủy sản là những ngành hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ.

Cụ thể, tại Lào Cai, giá bán rau xanh giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến, trong tháng 9 thu hoạch 2.000 tấn song đang bí đầu ra.

Tương tự các sản phẩm chăn nuôi cũng đang gặp khó ở việc tiêu thụ sản phẩm nên giá cũng giảm sâu. Theo Tổ công tác 3430, phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng cho thấy, ngành chăn nuôi nhất là khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất kinh doanh, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chi phí chăm sóc, ăn uống khi không xuất chuồng đều phát sinh trong khi giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng cao.

Đối với ngành thủy sản, công suất sản xuất trung bình giảm còn 40-50%. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu, vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Lên phương án cung ứng và tiêu thụ lâu dài

Được biết hiện đã có 23/31 địa phương phía Bắc cử đầu mối phối hợp với tổ công tác và cung cấp danh sách 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản nhập vào cơ sở dữ liệu của tổ công tác. Cụ thể, lúa gạo 181 đầu mối; rau củ quả 436; thịt, trứng gia cầm 505; thủy hải sản 819; sản phẩm chế biến đông lạnh 97; thực phẩm tổng hợp 55 đầu mối.

Trong kế hoạch sản xuất, ước sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu từ nay tới hết quý 1/2022 được Bộ NN&PTNT xây dựng, Bộ NN&PTNT giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng Khoa học Hợp tác xã Nông nghiệp số hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản phía Bắc, trình Tổ trưởng Tổ công tác phê duyệt trước ngày 10/9/2021, để có cơ sở đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi cập nhật số liệu, phối hợp với Trung tâm Tin học thống kê xây dựng kế hoạch sản xuất, ước sản lượng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu từ nay tới hết quý I/2022. Theo đó, tính toán kỹ tổng cung, tổng cầu, xây dựng các phương án cụ thể để đối phó trong các tình huống có thể xảy ra, đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, đối với các sản phẩm nông nghiệp mang tính mùa vụ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, đã có buổi làm việc với phía Tham tán Trung Quốc để tháo gỡ trực tiếp cho các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản giá giảm, tiêu thụ khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO