Nông sản năng động tìm kiếm thị trường

Hải Nhi 29/10/2020 09:00

Dự kiến trong tháng 11/2020, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương tổ chức hội nghị lớn về thị trường Halal - khối các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có công dân theo đạo Hồi có nhu cầu nhập khẩu nông sản, với khoảng 1,8 tỷ người. Đây là thị trường nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: gạo Japonica, hạt tiêu, cà phê, thủy sản, các nhóm gia vị.

Dây chuyền hiện đại chế biến ngô ngọt xuất khẩu tại Công ty Vifoco (xã Song Khê, thành phố Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Chỉ trong 2 tháng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU trong tháng 8 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020, sang tháng 9, tăng tới 35% so với tháng 8.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, các doanh nghiệp Việt ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản. Phía Bộ NNPTNT đã tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.

“Trong thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ còn lớn hơn nữa”, ông Phùng Đức Tiến khẳng định.

Cũng theo ông Tiến, việc ưu đãi thuế quan chỉ là những thuận lợi bước đầu để đưa hàng nông sản sang EU, muốn đi đường dài, chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết.

Cụ thể, muốn nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy trình phía EU yêu cầu, từ tổ chức sản xuất, sử dụng giống, vật tư đầu vào, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đến khâu chế biến, vận chuyển phải đảm bảo an toàn và minh bạch.

Tại một số nước châu Âu dịch Covid-19 đã quay trở lại, diễn biến phức tạp. Cùng với đó là tình hình Covid-19 ở Mỹ cũng là một yếu tố sẽ quyết định rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng: Vấn đề đặt ra trong quý IV/2020 là chúng ta tiếp tục khẳng định và kiên trì phát huy những thành quả đã đạt được của 6 nhóm mặt hàng chủ đạo, gồm gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, gạo, rau quả, hạt điều, cà phê. Nhu cầu của nhóm ngành hàng này còn đều đặn và cao trong quý IV.

“Chúng ta phải tận dụng, chắt chiu từng thời cơ, cơ hội đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU). Đây có thể là một điểm sáng, một cú hích để cho các sản phẩm rau quả, thủy sản của chúng ta được đẩy mạnh vào thị trường này, đặc biệt là đạt mức độ cao về mặt giá trị. Trong 9 tháng, chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường EU 2,81 tỷ USD”, ông Toản nói và cho biết thêm, phải tiếp tục kiên trì nhóm các mặt hàng công nghiệp như cà phê, hồ tiêu.

Trên thực tế, ngay cả khi dịch Covid-19 xảy ra, các nước Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan… vẫn duy trì nhập khẩu khối lượng, sản lượng và giá trị hồ tiêu, cà phê ở mức tốt, tích cực.

Đối với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt các sản phẩm cô đặc từ rau, củ, quả (chanh leo, thanh long, xoài…) cũng cần được đẩy mạnh toàn diện ở khu vực EU, Mỹ.

Ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: Trong quý IV, chúng ta cần phải chuẩn bị tích cực để không bị động, đó là cùng với các đơn hàng trong quý IV thì cũng mong các doanh nghiệp chú trọng những đơn hàng vắt sang được quý I/2021 để không có độ trễ của các đơn hàng đầu năm sau. Với những giải pháp này, chúng ta sẽ nỗ lực hết sức làm sao cán đích xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 tỷ USD.

Box: 9 tháng năm 2020, xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản năng động tìm kiếm thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO