Nông sản Việt nâng chất từ OCOP

DUY KHANG - HOÀNG SA 09/10/2022 07:31

Sau 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có hàng nghìn sản phẩm được đánh giá từ 3 sao trở nên. Điều này cho thấy những hiệu quả từ Chương trình trong việc nâng cao thu nhập cho bà con, giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm nông sản các địa phương.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 120 sản phẩm OCOP.

Các địa phương nỗ lực với Chương trình OCOP

Trong một chuyến công tác ở tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được người dân địa phương giới thiệu nhiều sản phẩm đặc sản mang đặc trưng của miền quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Từ sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ, bưởi Đoan Hùng cho đến chè Hoài Trung, chè Phú Thịnh... tất cả đều là sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao.

Với nhiều người dân vùng quê đồng bằng Bắc Bộ này, Chương trình OCOP thực sự mang lại cho họ những cơ hội để quảng bá các sản phẩm “cây nhà lá vườn” ra thị trường, từ đó có nhiều cơ hội vươn xa hơn.

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề truyền thống, 501 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động; trong đó, có 350 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 342 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Với những lợi thế về địa hình, khí hậu, có thể khẳng định, đây là vùng đất giàu tiềm năng để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP tạo nên những sản phẩm có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian qua, Phú Thọ cũng đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Tương tự, Thái Nguyên cũng đã và đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP nhằm khẳng định lợi thế của nhiều đặc sản quê hương.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, những năm gần đây nhờ xây dựng thương hiệu và phát triển một số sản phẩm OCOP, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện huyện có 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó có hai sản phẩm được sản xuất từ lúa gạo. Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế của địa phương, nhằm khai thác tối đa thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Tiến Diện - Giám đốc HTX Mì, bún khô Tiến Diện, các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sản phẩm được chế biến từ việc thu mua gạo thóc từ 2 xã Dân Tiến, Việt Long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại TP Phổ Yên (Thái Nguyên), mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được Chi nhánh Vật tư nông nghiệp TP Phổ Yên phối hợp với xã Minh Đức triển khai thực hiện được 3 năm. Mô hình trồng lúa trên diện tích 10ha, có 40 hộ dân tham gia và được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Vũ Thanh Nhàn (xã Minh Đức, TP Phổ Yên, Thái Nguyên) cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã cũng đầu tư giống, phân bón, đưa giống lúa năng suất chất lượng cao, hướng dẫn bà con canh tác đạt kết quả rõ rệt.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Không những nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, chương trình OCOP còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với lợi thế điều kiện của từng địa phương.

Nhiều địa phương trên cả nước cũng đang ra sức thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tại tỉnh Trà Vinh, với những nỗ lực thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, đến thời điểm này, toàn tỉnh Trà Vinh có 108 sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 16 sản phẩm đạt 4 sao và 87 sản phẩm 3 sao. Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, sản phẩm OCOP được tỉnh coi là một trong những sản phẩm chủ lực. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo huy động các nguồn lực, các đơn vị để nâng cao nhân thức trong công tác quản lý, điều hành phát triển sản phẩm OCOP. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu mỗi năm sẽ có thêm từ 40-50 sản phẩm OCOP và hơn 70% sản phẩm OCOP được tham gia các sàn giao dịch điện tử.

Nâng chất sản phẩm nông sản

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn… Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Chương trình đặt mục tiêu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...

Nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho nhà sản xuất, rất cần các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho nhà sản xuất tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch của địa phương. Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường gắn với phát triển các sản phẩm có tiềm năng ở các địa phương đạt sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản Việt nâng chất từ OCOP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO