NSND Hoàng Dũng – Tượng đài của sân khấu Việt

Cao Ngọc 16/02/2021 10:38

Tin sớm của Tết Tân Sửu lại là tin buồn, bất ngờ với đông đảo người hâm mộ sân khấu, phim truyền hình Việt Nam khi NSND Hoàng Dũng đột ngột ra đi khi đang ở độ chín của tài năng và có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật.

Khi nhắc đến NSND Hoàng Dũng không thể phủ nhận những vai diễn của anh là sự hội tụ của đa sắc thái tính cách, chân thật, có sức cuốn hút không chỉ đối với khán giả mà ngay với bạn diễn. Anh áp được cách diễn của mình với bạn diễn, là diễn viên khung, chủ chốt để làm nên chất lượng cho tác phẩm.

Không chỉ thế, dù đã nghỉ chế độ, không còn làm Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội thì anh vẫn còn giữ rất nhiều trọng trách như thành viên BCH của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Hội… và là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ…

NSND Hoàng Dũng được xem là "linh hồn" của Nhà hát kịch Việt Nam.

Với cá nhân tôi, khi là một nữ sinh cấp III thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1985, đúng thời vàng son của sân khấu với những "Tôi và chúng ta", "Nhân danh Công lý"… tôi đã không ngần ngại trả lời hội đồng chấm thi về thần tượng trên sàn diễn của mình là Hoàng Dũng và Hoàng Cúc. Các anh các chị lúc đó như được ánh hào quang sân khấu lấp lánh rạng ngời mà trở lên cao xa với đám sinh viên chúng tôi.

Ấn tượng trong các vai diễn của Hoàng Dũng là anh luôn tìm ra cách để thể hiện nhân vật thông qua ánh mắt rất có thần cùng sự nghiền ngẫm vai diễn.

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ, anh ấy được tổ nghề cho nhiều yếu tố Thanh - Sắc - Thục - Tinh - Khí - Thần. Hoàng Dũng cũng là người chịu khó trao đổi học hỏi. NSND Lê Tiến Thọ cũng đánh giá NSND Hoàng Dũng ở nấc thang cao trong nghệ thuật diễn xuất theo cách nhìn nhận diễn viên của sân khấu kịch hát truyền thống. Anh diễn có thần, cái thần được tỏa ra từ toàn bộ cơ thể…

Không chỉ là một nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng còn được khán giả hâm mộ ở nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình.

Quá trình học, càng xem, càng thêm cảm phục và có chút tự ti khi không biết bao giờ mình mới có thể tiếp cận với các anh các chị. May mắn, dần trưởng thành với nghề làm báo, tôi cũng có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng anh. Cảm xúc được nhớ tới, được tôn trọng khiến mình thêm tự tin trao đổi nhiều việc, nhiều chuyện hơn với anh. Mỗi lần gọi vào máy của anh, nếu không thể nghe được, anh đều nhắn và sau đó không quên gọi lại.

Chỉ vậy thôi, mà không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Nhiều thế hệ trẻ sau này không có được thái độ tôn trọng đó, thậm chí có lúc còn vì chuyện phỏng vấn không có thù lao mà lần sau tránh không nghe máy.

Đôi khi nhàn đàm, chúng tôi cũng tự ái mà bảo, những nghệ sĩ đó quả thật không biết cách đối nhân xử thế. Ngược lại, thế hệ những đàn anh đã thành danh như Hoàng Dũng lại thật sự tỏ thái độ rất lịch lãm, điềm đạm và khá hài hước để đem lại sự nhẹ lòng cho người phỏng vấn

Rất nhiều lần, cuộc trò chuyện của chúng tôi đề cập tới sự chưa công bằng trong đánh giá nghệ sĩ, những câu chuyện có tính nhạy cảm về đánh giá vở diễn… Những câu chuyện anh kể, những lời phát biểu của anh thường đi thẳng vào chủ đề, không vòng vo, bốc đồng như cách hình dung về tính cách nghệ sĩ mà đầy trách nhiệm với thái độ đúng mực, điềm đạm.

Ông còn là người "truyền lửa" cho nhiều thế hệ nghệ sĩ kịch nói Việt Nam.

Vốn là người không quan tâm nhiều đến đời tư của nghệ sĩ (có thể do vị trí công tác, do cách đưa tin của cơ quan mình) nên tôi cũng không quan tâm nhiều những chuyện ngoài nghệ thuật, nhưng tình cờ biết được, anh sống cách nhà tôi có vài quãng phố ngắn. Vậy là cũng tranh thủ đi nhanh qua những khi biết anh không vướng bận với ngàn vạn công việc của Nhà hát cũng như nơi anh cộng tác.

Gặp anh ngoài đời, khẩu khí anh vui vẻ, lạc quan dù rất phiền muộn vì chế độ đãi ngộ cho diễn viên còn quá thấp. Anh từng bảo, thời xưa chưa xa, diễn viên dù lương không cao, nhưng luôn được đãi ngộ đặc biệt hơn vì có tiền thanh sắc (dù chỉ đủ ăn vài bát phở), có thêm đường sữa bồi dưỡng. Điều đó là niềm an ủi rất lớn đối với các anh các chị. Nhưng giờ thì, khi biết tôi là NSND, lại là Giám đốc mà lương và phụ cấp chỉ 5 đến 6 triệu khiến rất nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật đành… từ bỏ giấc mơ.

Anh ao ước, cần có những cơ chế đặc biệt cho nghệ sĩ, cho các nhà hát để được tuyển chọn diễn viên mà không phải là cung cách chỉ căn cứ vào biên chế hay hợp đồng để tinh giản như hiện giờ.

NSND Hoàng Dũng trong phim "Trạng Quỳnh".

Ngay khi rất bận rộn, anh cũng sẵn lòng bớt chút thời gian, kéo ra góc riêng để chịu trận những câu hỏi liên tục của chúng tôi. Chỉ vậy thôi, mà khi nhớ lại, cứ thấy nghẹn ngào. Nhìn những hình ảnh tươi rói kia, sao bỗng thấy quy luật sinh tử khắc nghiệt làm vậy. Những người tài dường như khi rời xa chúng ta luôn đem lại cảm xúc nặng nề, mất mát rất lớn.

Bao giờ mới có được người thay thế Anh? Bao giờ sân khấu Hà Nội mới lại có được một hình ảnh hào hoa như vậy? Những vai diễn như chỉ anh mới thể hiện tốt… sẽ là nỗi thiệt thòi lớn cho người xem… Với cánh phóng viên chúng tôi, nỗi mất mát cũng không nhỏ khi thiếu vắng đi một hình ảnh người anh bao dung, sẵn lòng chia sẻ… Nghỉ ngơi anh nhé…!

NSND Hoàng Dũng ra đi là một tổn thất lớn với sân khấu Việt Nam.

* Lễ viếng NSND Hoàng Dũng diễn ra từ 7h30 đến 9h sáng Mùng 9 tháng Giêng (tức 20/2/2021), tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông. Lễ lễ an táng sẽ được tổ chức cùng ngày tại Đông Tảo, Khoái Châu (Hưng Yên).

Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ ý tưởng tổ chức lễ tang trang trọng, ấm áp tình nghệ sĩ để tiễn đưa người anh, người đồng nghiệp đáng kính.

Khung cảnh lễ tang gắn với vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” - vở diễn mà NSND Hoàng Dũng đóng vai Bá Nhỡ, một trong những vai diễn để đời của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSND Hoàng Dũng – Tượng đài của sân khấu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO