Nước mắt sau lũ

Nguyễn Chung 19/10/2017 09:45

Sau hơn 10 ngày trút nước xuống miền Trung, chân trời xứ Thanh cũng bắt đầu le lói chút ánh nắng nhợt nhạt. Cơn lũ đi qua để lại cho người dân cảnh tan hoang, xác xơ, tiêu điều và những giọt nước mắt mặn chát của sự tuyệt vọng…


Xã Thạch Định tan hoang sau lũ.

Thắc thỏm lo toan

Tôi ngược về Thạch Thành khi nước lũ chỉ còn mấp mé lưng chừng đê sông Bưởi. Trên những con đường làng hun hút, sậm màu bùn phù sa, nước đã bắt đầu rút nhưng rất chậm. Ở bất cứ ngõ xóm nào người ta cũng bắt gặp cảnh tiêu điều, xác xơ đổ nát và bì bõm trong biển nước ngầu đỏ. Người dân đã bắt đầu trở về nhà dọn dẹp, gột rửa, gắng gượng quay lại với cuộc sống thường nhật. Nhịp sống ở vùng lũ như một thước phim quay chậm đặc tả những lo toan, thắc thỏm và đầy mệt mỏi qua những khuôn mặt nhàu nhĩ…

Hơn 10h sáng, bà Lại Thị Minh ở thôn 2, xã Thạch Định (Thạch Thành) ngồi chống cằm mệt mỏi nhìn mông lung về phía biển nước mênh mông còn ngập quá nửa sân nhà. Từ tinh mơ sớm nay, bà cũng tất tả theo nhiều gia đình khác trong xóm về lại làng để thu dọn nhà cửa. Bừa bộn, tan hoang hết thảy nên bà chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Sau những cơn mưa như trút nước, 12h đêm ngày 12-10, nước lũ bắt đầu tràn qua đê sông Bưởi. Nước lên nhanh, bà Minh chỉ kịp hối đứa con trai vác vội yến gạo, quàng quấy cài cửa nhà, phó mặc cho dòng lũ dữ rồi mò mẫm, dắt díu nhau chạy lên đồi. Khi lên đến nơi an toàn bà mới sực nhớ đến bầy gà hơn 40 con còn mắc kẹt lại trong lũ. Bà toan chạy về nhưng nhìn biển nước đã vây kín đến lưng chừng đồi đành ngồi bó gối, khóc dấm dứt.

“Mất hết cả rồi cháu ạ! Không biết đàn gà có kịp chạy hay bị nước lũ cuốn đi rồi. Có mấy tạ lúa mẹ con để dành, lấy cái ăn đến giáp hạt nay nứt mầm hết cả. Biết lấy gì để sống bây giờ!”– bà Minh thảng thốt, để mặc những giọt nước mắt khốn khổ chạy dài trên khuôn mặt.

Ngay bên cạnh nhà bà Minh, nhà cô giáo Bùi Thị Nhung may mắn hơn. Ngay trong sáng ngày 12, khi nước lũ bắt đầu mấp mé triền đê, cô đã giục chồng di tản những thứ có thể đến nhà bố mẹ chồng ở phía đỉnh đồi. Thứ gì không kịp đem theo thì cho lên căn gác xép rồi đóng cửa chạy lũ. Cũng may gia đình không bị thiệt hại gì nhiều. “Chỉ thương học sinh trong vùng bị cô lập! Suốt cả tuần trời phải ăn mì tôm sống cầm hơi, chờ nước rút. Mọi sách vở, đồ dùng học tập đều bị nước cuốn đi hết. Chưa biết đến khi nào chúng mới có thể đi học trở lại!” – nhắc đến đám học trò nghèo, cô quay đi, lén lau những giọt nước mắt.

Bỏ lại cô giáo Nhung với căn nhà đầy bùn đất, tôi xắn quần lần mò theo con đường bê tông trơn trượt trong nước đi sâu vào vùng rốn lũ. Trong mênh mông biển nước là những rác rưởi, xác gia cầm lập lờ đang phân hủy. Gió mùa thổi mạnh hắt lên không trung một mùi tanh lợm. Thấp thoáng bóng vài người dân đem vó, lưới ra giăng trên con đường liên xóm, nước còn ngập quá nửa bụng người.

Gượng dậy sau lũ

Với người dân Thạch Thành nói chung và người dân tại xã Thạch Định nói riêng, ký ức kinh hoàng về trận lũ lịch sử năm 2010 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Cứ hễ mưa lớn kéo dài, nước sông Bưởi dâng là người dân đã dè chừng, cảnh giác, chuẩn bị mọi phương án để đối phó. Thế nhưng dẫu đã thủ thế, chuẩn bị đấy song những thiệt hại vẫn không thể đếm đong trước sự tàn phá của thiên tai.

Bên chiếc bàn học sinh được kê tạm nơi góc sân được xem là khô ráo nhất của UBND xã Thạch Định, chủ tịch Nguyễn Trọng Hùng thống kê qua quýt cho nghe về những thiệt hại do cơn lũ năm nay gây ra đối với địa phương. Tính đến ngày 16/10, mặc dù nước lũ đã rút nhiều nhưng toàn xã vẫn còn 2 thôn, với hơn 150 hộ đang nằm trong tình trạng bị cô lập. Mọi sinh hoạt của bà con trong thôn đều chỉ trông chờ vào nguồn cứu trợ từ bên ngoài. Toàn bộ 25ha mía, 10ha lúa chưa kịp thu hoạch, 25ha hoa màu bị dìm sâu nhiều ngày trong biển nước. Ngoài ra toàn xã còn có 150 con lợn, 2.500 con gia cầm và nhiều công trình tường rào, mái đê, hệ thống kênh mương bị nước lũ cuốn trôi…

Để nhanh chóng ổn định tình hình, ngay sau khi lũ rút, cùng với sự giúp sức của lực lượng Công an huyện, toàn xã đã phát động phong trào dọn vệ sinh, làm sạch môi trường, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng trong lũ. Đã có hàng chục đoàn cứu trợ, các nhà hảo tâm đến hỗ trợ cho bà con vùng lũ hàng nghìn thùng mì tôm, nước uống, nhu yếu phẩm… Những nghĩa cử nhân văn này đã phần nào làm dịu đi những mất mát và làm ấm lòng bà con trong vùng bị ngập nặng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những hoạt động mang tính giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài bà con trong xã cần sự đầu tư quy mô hơn để có thể trở lại cuộc sống như trước khi xảy ra thiên tai. “Điều mà người dân vùng rốn lũ Thạch Định lo lắng nhất hiện nay là môi trường sau lũ. Dù đã được cấp phát hàng trăm lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường nhưng với thực tế hiện tại, nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi nắng lên là điều rất có thể” – ông Hùng nhận định.

Gần 12h trưa, ông Lương Công Thành – Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Thành vẫn còn cặm cụi ghi chép, phân bổ hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ của huyện. Đã hơn 1 tuần nay, hầu như ông và các cán bộ của huyện chưa có bữa nào được ăn cơm nhà. Mọi công việc đều được gác lại, ưu tiên cho bà con vùng bị ngập trong nước lũ. “Hiện nay toàn huyện vẫn còn 25/27 xã bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Với phương châm không để một người dân nào bị đói, rét do lũ, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, trước mắt huyện đã trích 200 triệu đồng từ ngân sách để mua lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân.” – ông Thành cho hay.

Tôi rời Thạch Thành khi bầu trời vần vũ mây đen và bắt đầu bỏ mưa dày hạt. Ông Thành ngước nhìn lên, ánh mắt chất chứa lo âu. Có lẽ, điều mà tôi, ông và người dân lo lắng nhất hiện nay không phải là đời sống của người dân sau lũ mà là hoàn lưu của cơn bão số 11. Nếu trời tiếp tục mưa lớn kéo dài trong mấy ngày tới, thảm họa thiên tai xảy ra với người dân Thạch Thành sẽ rất khó lường!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt sau lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO