Nước mắt vùng dịch

Trần Duy Hưng 14/06/2019 08:00

Làng quê trắng xóa vôi bột; đoàn người dập dịch áo quần bảo hộ kín từ đầu đến chân lầm lũi đi khắp xóm làng; trong chuồng những con lợn nái, lợn thịt, lợn giống co rúm người lại rồi thõng ra, đổ gục chỉ sau một cú chích điện trong khi chủ nhân ôm mặt ngồi khóc bên cửa chuồng… Đó là nỗi buồn đã và đang diễn ra ở nhiều làng quê, từ Bắc tới Nam suốt mấy tháng qua khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành.

• Bàn giải pháp đối phó dịch tả lợn châu Phi

Nước mắt vùng dịch

Dịch tả lợn tràn lan, không có chính sách bảo hiểm khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng.

Lợn gục xuống, người nấc lên

Đến nhà bà Nguyễn Thị Đào ở xã Giao Hải, Giao Thủy, chúng tôi chứng kiến cảnh bà ngồi thẫn thờ bên dãy chuồng lợn trống huơ trống hoác. Bà mếu máo: “Chỉ mấy hôm trước chuồng của tôi có đến mấy chục con lợn, cả lợn nái lẫn lợn thịt, giờ thì mất sạch rồi!”. Theo bà Đào, khi hay tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện bên mạn Hưng Yên, Thái Bình cả nhà đã lo lo, không biết dịch có tràn sang Nam Định hay không? Đến khi dịch lan tới Nam Định, nhà bà cũng chấp hành nghiêm các quy định phòng chống, tích cực rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng nhưng cuối cùng vài con trong đàn lợn của bà vẫn nhiễm. Nhận được thông báo, đội dập dịch của xã có mặt ngay, thực hiện tiêu hủy cả đàn theo quy định, dù chỉ có vài con nhiễm dịch.

Phút chốc, gia đình bà Đào trắng tay. “Tôi đã tính toán đâu vào đấy rồi đấy chứ! Ít ngày nữa là đến kỳ xuất chuồng, thế nào cũng được mấy chục triệu đồng, phần trả vốn vay ngân hàng, phần trả cho đại lý thức ăn, còn lại để lo cho gia đình, vốn tái đàn. Giờ biết lấy gì trả nợ?” – bà Đào nói trong tiếng nấc.

Cùng chung cảnh ngộ, đến giờ vợ chồng anh Đặng Văn Thắng ở xóm 9, thôn Phú Nông, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng. Lô Giang là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình xuất hiện dịch tả. Như hầu hết các hộ chăn nuôi lợn trong xã, đàn lợn nái và lợn thịt nhà anh Thắng cũng mắc dịch, phải tiêu hủy toàn bộ.

“Lâu nay vợ chồng tôi chỉ có kế sinh nhai là làm mấy sào ruộng và chăn nuôi lợn. Mấy sào lúa thì chỉ để lấy gạo ăn còn mọi chi tiêu trông cả vào đàn lợn. Giờ đàn lợn đã bị hủy sạch, cũng không được phép tái đàn ngay nên cũng chưa biết làm thêm gì để sống, để có tiền trả nợ. Tôi có nghe tỉnh đang khuyến khích người dân chúng tôi chuyển hướng sang nuôi bò. Nhưng nuôi bò cần vốn lớn, phải đầu tư chuồng trại lớn hơn trong khi kinh phí hỗ trợ thiệt hại vẫn chưa nhận được, nợ cũ cũng chưa trả được, lấy gì để đầu tư?” – anh Thắng chia sẻ về sự bế tắc của mình.

Chính quyền, lực lượng thú y kêu khó

Không chỉ các hộ chăn nuôi, theo ghi nhận của chúng tôi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, kéo dài cũng khiến chính quyền, lực lượng thú y ở nhiều địa phương lâm cảnh mệt mỏi, chán nản. Anh Phạm Văn Thuận, cán bộ thú y xã Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định), than thở: “Thời gian qua, mỗi ngày tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ người dân trong xã báo lợn của họ mắc dịch. Mỗi lần như vậy lại phải xuống tận nơi ghi nhận tình hình, hướng dẫn, tổ chức việc tiêu hủy, chôn lấp. Vợ tôi bị ốm, nằm viện gần 20 ngày trên TP Nam Định mà tôi cũng chỉ lên thăm vợ được một lần, chăm cô ấy được nửa ngày lại phải về luôn; con cái thì phó mặc cả cho ông bà!”.

Tương tự, bà Hoàng Thị Nhài, cán bộ thú ý xã Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định), chia sẻ: “Làm cán bộ thú y cũng đã nhiều năm, trải qua nhiều trận dịch nhưng chưa khi nào tôi thấy dịch xảy ra tràn lan và thiệt hại lớn như lần này. Rất đau lòng! Vậy nên dù đã rất mệt mỏi nhưng vì trách nhiệm vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ tiêu hủy, làm đúng, đầy đủ các thủ tục, giấy tờ giúp bà con thuận lợi trong việc nhận hỗ trợ thiệt hại”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, chính quyền, ông Chu Đức Chỉnh – Phó Chủ tịch UBND xã Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định), cũng thể hiện rõ sự ngao ngán. Theo ông Chỉnh, trong đợt dịch tả đang diễn ra, xã Trực Đại có 1.602 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn trên 12 nghìn con. Đến nay phần lớn đã phải tiêu hủy do mắc dịch, thiệt hại của người chăn nuôi ở địa phương quy ra tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Trong khi đó, việc phòng chống, dập dịch, tiêu hủy lợn chết của xã gặp khó khăn mọi bề.

“Để có nhân công tiêu hủy, xã phải thuê khoảng 15 người, ban đầu là 350 nghìn đồng/ngày/người; sau dịch xảy ra nhiều quá, thuê đến 500.000 đồng/người/ngày cũng khó thuê được người. Máy đào hố cũng phải thuê với giá 3 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, ngân sách phòng dịch của xã làm gì có nhiều, phải trông chờ huyện, tỉnh hỗ trợ” – ông Chỉnh phản ánh. Cũng theo ông Chỉnh, qua đợt dịch này, xã đang phải đối diện với một “thảm họa” về môi trường. Theo đó, đến thời điểm hiện tại xã đang rất bí về địa điểm chôn lợn chết. Trước đó, xã đã tận dụng bãi rác thải để đào tới gần 50 hố; chôn tại bãi tha ma thì không được người dân đồng thuận. “Xã đang phải tính đến việc bỏ ngân sách ra để mua chỗ chôn, cần thiết thì phải bứng cây xanh trong khuôn viên trụ sở xã đễ đào hố chôn lợn” – ông Chỉnh cho biết.

Từ góc nhìn của một hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề vì dịch, ông Nguyễn Văn Thẩm ở xóm 4, xã Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định) thể hiện sự bức xúc, cho rằng công tác phòng, chống dịch tả thời gian qua “có rất nhiều vấn đề”.

“Theo dõi thời sự tôi được biết trước khi dịch vào Việt Nam nó đã xuất hiện ở Trung Quốc. Khi đó tôi nghe Trung ương chỉ đạo là công tác phòng chống dịch không được chủ quan, lơ là; phải chủ động, tích cực ngăn chặn dịch từ xa. Nhưng không hiểu sao bao nhiêu lực lượng gác cổng mà vẫn để dịch xâm nhập. Khi nó xâm nhập cũng không có biện pháp khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, để lây lan rộng. Dịch bệnh gây thiệt hại lớn, hỗ trợ thiệt hại của Nhà nước chỉ bù lại được phần nào, cũng chưa biết đến bao giờ nhận được, trong khi không hề có chính sách bảo hiểm nào thì làm sao người chăn nuôi chúng tôi có thể tồn tại được?” – ông Thẩm bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt vùng dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO