Nước Mỹ trong vòng xoáy Covid-19: Bỏ hay vẫn đeo khẩu trang?

Hà Anh 12/03/2021 06:30

Hiện nay, nước Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 541 nghìn ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế, nhiều bang đã bắt đầu gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, điều này đã làm gia tăng sự bất đồng giữa những quan điểm khác nhau về chống dịch.

Texas (Mỹ) bị chia rẽ sâu sắc vì những bất đồng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn: CNBC.

1. Trong một diễn biến mới nhất tại Mỹ liên quan đến Covid-19, ngày 11/3, Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton gửi thư cho Thị trưởng thành phố Austin Steve Adler, yêu cầu trước 18 giờ cùng ngày phải chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong thành phố, hoặc phải đối mặt với một vụ kiện.

“Quy định bắt buộc đeo khẩu trang hay áp đặt các hạn chế liên quan Covid-19 chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp tư trong cơ sở của họ. Chúng không áp dụng cho các khu vực như thành phố Austin, hạt Travis hay các cơ quan y tế địa phương” - Tổng chưởng lý Texas cho biết.

Thư của Tổng chưởng lý Texas, một thành viên đảng Cộng hòa, được đưa ra sau khi Thị trưởng Austin, đảng viên Dân chủ, tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi yêu cầu đeo khẩu trang và các biện pháp hạn chế kinh doanh trong thành phố, bất chấp lệnh “mở cửa 100%” của Thống đốc Greg Abbott. Thị trưởng Adler cũng cam kết sẽ chống lại các hành động pháp lý của Tổng chưởng lý Paxton “khi còn có thể”.

“Thẩm phán Jeffrey Brown và tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình, sử dụng mọi công cụ có sẵn để ngăn Covid-19 lây lan, bảo vệ càng nhiều người dân càng tốt, đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp cũng như mở cửa trường học một cách an toàn. Chúng tôi sẽ chống lại cuộc tấn công của Thống đốc Abbott và Tổng chưởng lý Paxton nhằm vào các y bác sĩ và dữ liệu Covid-19 tới khi còn có thể” - ông Adler nói.

Thống đốc bang Texas Abbott quyết định bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại bang Texas và cho phép doanh nghiệp mở cửa hoàn toàn từ hôm 2/3. Ông Abbott giải thích, quyết định dỡ các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 được đưa ra bởi vaccine đã đến nơi, công tác xét nghiệm và điều trị cũng được cải thiện.

Cùng với đó, hàng trăm nghìn trẻ em tại thành phố Los Angeles, bang California của Mỹ, có thể quay trở lại trường học từ tháng 4/2021 sau gần 1 năm phải chuyển sang học trực tuyến do đại dịch.

Giới chức Mỹ nhấn mạnh việc mở cửa trường học phải cân nhắc đến tiêu chuẩn cao nhất về mức độ an toàn trong phòng dịch, số ca mắc mới giảm và việc nhân viên trường học tiếp cận với vaccine.

Trước đó, bang California cũng đã cho phép các công viên giải trí nối lại hoạt động từ ngày 1/4 với sức chứa hạn chế nếu thành phố nơi những công viên này đặt địa điểm được loại khỏi cấp “màu tím,” là cấp đánh giá nghiêm trọng nhất theo thang đánh giá tình hình dịch Covid-19 của California.

Động thái này được đưa ra sau những lời kêu gọi từ các nhà điều hành các điểm giải trí trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới của bang California giảm mạnh.

Thống đốc Mississippi Tate Reeves hôm 3/3 cũng đưa ra một mệnh lệnh tương tự. “Văn phòng Thống đốc sẽ thoát khỏi công việc bảo mọi người có thể làm gì và không thể làm gì” - ông Reeves tuyên bố tại một cuộc họp báo, ở đó ông bãi bỏ lệnh đeo khẩu trang và xóa tất cả các hạn chế Covid-19 đối với doanh nghiệp.

Giống như Texas, động thái trên được thực hiện khi Mississippi trải qua nhiều tuần số ca nhiễm giảm. Tuy nhiên, vào tuần mà các lệnh giới hạn được dỡ bỏ, bang này đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng 62%.

2. Trước những động thái mất cảnh giác của nhiều bang, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm Authony Fauci cho rằng, người dân Mỹ sẽ cần đeo khẩu trang cho đến năm 2022 ngay cả khi nước này có thể trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2021 này.

Ông Fauci nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch để ứng phó với các biến thể của virus gây bệnh. Ông bày tỏ hy vọng, chương trình tiêm chủng tại Mỹ sẽ nhanh chóng mở rộng ra các đối tượng học sinh, sinh viên vào mùa Thu năm nay, tiếp theo là học sinh các cấp nhỏ hơn.

Ông Fauci cũng tỏ ra lo lắng về sóng lây nhiễm thứ 4 nếu Mỹ lơ là cảnh giác trước đại dịch: “Tôi không hiểu vì sao họ lại làm vậy, nhưng chắc chắn, từ quan điểm y tế công cộng, đó là hành động sai lầm. Nếu bạn nhìn vào đường biểu đồ ghi nhận số ca nhiễm, nó đi xuống nhưng đã đạt đến điểm mà 7 ngày qua vẫn giữ nguyên. Chúng ta từng nhìn thấy cảnh này trước đây rồi, nhiều tháng trước, khi chúng ta cố gắng mở cửa đất nước và mở cửa nền kinh tế, khi một số bang không tuân thủ các hướng dẫn”.

Chuyên gia nhận định, việc dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và các hạn chế khác trong bối cảnh có quá ít người dân được tiêm vaccine mang đến rủi ro vô cùng lớn, bởi Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất và phân phối vaccine Covid-19, song câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ tiêm chủng cho người dân có đủ nhanh để giảm thiểu nguy cơ virus đột biến hay không.

Các biến chủng dễ lây lan hơn từ Anh, Nam Phi và Brazil đều đã xâm nhập vào Mỹ. Những vaccine hiện nay được chứng minh có hiệu quả đối với chúng song ở mức thấp hơn. Nhưng khi virus vẫn chưa bị chặn đứng, nguy cơ một biến chủng mới có khả năng chống lại vaccine xuất hiện sẽ ngày càng gia tăng” - Tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Eric Topol nói.

Cùng với đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cũng cảnh báo các bang không nên dỡ bỏ các hạn chế về virus SARS-CoV-2. Bà Walensky tỏ ra lo lắng về việc ngày càng có nhiều bang đang lùi lại các biện pháp y tế công cộng chính xác mà chính quyền đã khuyến nghị để bảo vệ mọi người khỏi Covid-19.

Bà Walensky cho biết, những biến thể mới là một mối đe dọa thực sự đối với con người và sự tiến bộ của Mỹ và thời điểm này không phải là lúc để nới lỏng các biện pháp bảo vệ quan trọng.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, dù nguồn cung vaccine ngày càng tăng hứa hẹn sẽ tiêm chủng cho một phần lớn dân số nước Mỹ trong vòng vài tháng tới, nhưng việc tiêm chủng vẫn chưa đủ phổ biến để kiểm soát đại dịch, khiến các biện pháp phòng ngừa tiếp tục trở nên quan trọng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hội đồng Y tá quốc tế (ICN), trong số 2.630.926 người tử vong do mắc Covid-19 trên thế giới, có tới 3.000 y tá. Số y tá tử vong trên mới chỉ được tổng hợp từ 60 quốc gia và con số này có thể còn thấp hơn so với thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Mỹ trong vòng xoáy Covid-19: Bỏ hay vẫn đeo khẩu trang?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO