Nước rút cuối năm

Nam Việt 14/08/2017 08:05

Sáng thứ 7 ngày 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, nhằm rà soát lại kế hoạch năm 2017, đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng trưởng GDP. Thông điệp được Thủ tướng đưa ra là “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước”.

Ngành chế biến, chế tạo 6 tháng tăng 10,52%, để đạt mục tiêu kế hoạch 13% thì những tháng cuối năm phải tăng 14%.

2/3 thời gian của năm 2017 đã đi qua, nhưng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm vẫn còn rất nặng nề. Tình hình kinh tế thế giới với những diễn biến không suôn sẻ tác động mạnh tới nền kinh tế nước nhà khi mà chúng ta đã hội nhập sâu. Trong nước, nhiều vấn đề tồn tại trở thành những “nút thắt” vẫn chưa được gỡ bỏ. Đó là việc cải cách thủ tục hành chính chậm, giải ngân chậm, nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào thời tiết...

Cùng đó, nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc dư luận cũng hiện hình. Thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, hậu quả nặng nề. Mới đây, trận lũ dữ đến với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc gây tác động rất xấu. Người chết, nhà đổ, nhiều công trình bị phá hỏng, cuộc sống của bà con vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, khi trận lũ ấy chưa qua thì những ngày mưa lớn kéo dài trút nước xuống khu vực này lại ập đến. 4 tháng còn lại của một năm thật ít ỏi, đây là chặng nước rút quan trọng nhất để thực hiện những mục tiêu kinh tế-xã hội đã đặt ra.

Chính vì vậy, cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty trong ngày nghỉ cuối tuần đã diễn ra tới gần 5 tiếng đồng hồ, cho tới 1 giờ chiều mới kết thúc. Trên tinh thần khẩn trương, chủ động, thẳng thắn, Thường trực Chính phủ đã rà soát lại từng mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực để xem xét khả năng, mức độ hoàn thành, các vướng mắc và biện pháp tháo gỡ. Phát biểu tại đây, nhiều bộ, tập đoàn, tổng công ty cho biết có thể hoàn thành kịch bản đề ra đối với ngành, lĩnh vực của mình. Ghi nhận cam kết nhưng Thủ tướng vẫn lưu ý nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến khó lường, thời tiết thất thường. Không thể chủ quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là thể chế; đồng thời phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế-xã hội hiện nay. Nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước”. Chưa hết, Thủ tướng lưu ý: Phải triển khai đồng bộ, có tổ chức, kiểm tra thường xuyên và tổ chức công việc bằng chương trình hành động hết sức cụ thể. “Những lời phát biểu của các đồng chí thể hiện quyết tâm hành động nhưng phải có giải pháp kèm theo và đôn đốc kiểm tra liên tục”- Thủ tướng nói.

Lưu ý của Thủ tướng đã đề cập đến một thực tế “khó chịu” vẫn đã và đang tồn tại trên thực tế: đó là việc trên đã “chuyển” nhưng dưới chưa “động”. Thời gian qua, quyết tâm của một chính phủ hành động là rất rõ ràng, quyết liệt nhưng khi triển khai xuống dưới, qua tầng này nấc kia quyết tâm ấy giảm dần. Cụ thể như việc cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, chấm dứt việc hành dân, hành doanh nghiệp vẫn tồn tại. Doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực vẫn kêu Trời về thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan. Đáng chú ý, trong khi thủ tục xuất hàng đi, nhập hàng về rất phức tạp thì hàng lậu từ bên kia biên giới tràn sâu vào nội địa vẫn gia tăng, gây thiệt hại và nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước. “Quyết tâm 20”- lời nhắc của Thủ tướng chính là để thúc giục hành động của toàn xã hội, trong đó đặc biệt quan trọng là đối với những lĩnh vực kinh tế then chốt.

Chặng nước rút cuối năm bao giờ cũng mang tính quyết định. Sự đủng đỉnh của những tháng đầu năm sẽ dồn việc lên những tháng còn lại. Nếu không thực sự bắt tay vào công việc mà chỉ ngồi viện dẫn những khó khăn hết khách quan đến chủ quan, thì suy cho cùng vẫn chỉ là sự bao biện. Hơn lúc nào hết, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; thái độ và tầm nhìn của người đứng đầu là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là đóng vai trò quyết định. Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều đến vai trò của người đứng đầu, nhưng trên thực tế điều đó gần như chỉ là một mỹ từ, vì thói quen “trách nhiệm tập thể” vẫn in hằn. Công thì mình hưởng, lỗi thì tập thể chịu. Cách hành xử ấy nếu không thay đổi, không có chế tài xử lý nghiêm minh thì cũng thật khó có thể xoay chuyển được tình thế.

Trở lại với kế hoạch cả năm là tăng trưởng 6,7% thì những tháng còn lại của năm phải đạt 7,42%. Thủ tướng chỉ rõ, với nông nghiệp, lĩnh vực tăng chậm trong 6 tháng đầu năm (chỉ đạt 2,65%) thì từ giờ tới cuối năm, có đạt được con số 3,05% không? Với khu vực công nghiệp, xây dựng tăng rất chậm, chưa thể hiện là động lực chính của tăng trưởng GDP, muốn cả năm tăng trưởng của ngành này đạt 7,91% thì những tháng cuối năm phải đạt khoảng 9,2%. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo 6 tháng tăng 10,52%, để đạt mục tiêu kế hoạch 13% thì những tháng cuối năm phải tăng 14%. Sau khi dẫn chứng một số lĩnh vực, một lần nữa Thủ tướng đặt vấn đề: Vậy thì giải pháp như thế nào?

Với những gì đã tồn tại từ nhiều năm qua, việc Thủ tướng nhắc chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm phải 20 không chỉ dành cho những tháng còn lại của năm 2017, mà là tinh thần chung, xuyên suốt, nhất quán về lâu về dài. Muốn thực hiện được điều đó thì từng ngành, từng lĩnh vực, từng cá nhân- nhất là người đứng đầu phải thực sự chuyển động. Nếu không, rất cần chế tài nghiêm cho sự đủng đỉnh nguy hiểm đó.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế năm 2017 là 6,7%, với kết quả tăng trưởng quý I là 5,15%, quý II là 6,17% thì tăng trưởng quý III phải đạt tối thiểu 7,23% và quý IV là 7,57%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước rút cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO