Nuôi tôm - cua kết hợp

Văn Dân 12/09/2020 13:35

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai mô hình nuôi tôm - cua kết hợp, đem lại giá trị cao.

Trước hết, có thể kể đến việc nuôi tôm - cua kết hợp có cải tiến, được thực hiện tại Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phát (ấp Mười Huỳnh, xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).

Tại đây, với diện tích gần 85 hec-ta, 30 hộ xã viên đã triển khai sản xuất theo mô hình luân canh tôm - cua - lúa đạt hiệu quả cao.

Trong tình hình nắng nóng ngày một diễn ra gay gắt, kéo dài gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, tại Kiên Giang, khi mà độ mặn trong nước tăng cao do xâm nhập mặn từ biến đổi khí hậu nước biển dâng thì việc sản xuất, chăn nuôi của các hộ nông dân càng thêm khó khăn, thì với mô hình này giúp nhiều hộ nông dân ổn định thu nhập.

Thực tế, cho thấy khi áp dụng kĩ thuật vào chăn nuôi tôm - cua kết hợp, năng suất trung bình đạt 300 kg/hec-ta, giá bán 150 ngàn đồng/kg, tổng thu của 82 hec-ta là gần 3,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mức lãi trung bình 25 triệu đồng/hec-ta.

Trong bối cảnh thời tiết bất lợi, nhiều nơi bị thiệt hại, ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm, cua đều ở mức thấp nhưng xã viên HTX vẫn thu hoạch đạt năng suất, thu được lợi nhuận như vậy là điều rất đáng mừng.

Theo đáng giá của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, mô hình nuôi tôm - cua kết hợp có cải tiến đạt được kết quả cao, cần được nhân rộng tại địa phương. Cụ thể, hiệu suất đầu tư đạt lợi nhuận đối với con tôm là trên 55%, cua là 60%, đây là mức lợi nhuận khá cao. Mô hình mang tính bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhà nông.

Tại tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua cũng có nhiều hộ gia đình nuôi tôm - cua kết hợp và cũng thu lợi khá. Với một số hộ gia đình nông dân ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, mô hình này giúp bà con thu được trên dưới 200 triệu đồng 1 năm.

Đáng chú ý, trong khi dịch bệnh xảy ra với vùng chuyên canh tôm là khá nhiều, thì khi nuôi kết hợp tôm và cua trong cùng một nơi thì chúng lại ít bệnh tật hơn. Kinh nghiệm của bà con là thả tôm giống với mật độ 5 đến 7 con/m2 và sau 1,5 tháng thì thả cua giống với mật độ 1 đến 1,5 con/m2 (trung bình thả 2 loại này 3 đến 4 đợt/năm). Cách làm ấy sẽ tránh được việc chúng ăn lẫn nhau.

Tuy nhiên, để có được thành công khi nuôi tôm - cua kết hợp, bà con nông dân rất cần nắm chắc kĩ thuật cơ bản. Sau đây là một số gợi ý.

- Để tôm và cua không ăn thịt nhau khi lột xác thì cần thả tôm trước khoảng 1,5 đến 2 tháng, sau đó mới thả cua. Thời điểm thả giống cua trong ao tôm để nuôi ghép rất quan trọng. Thả vào thời điểm hợp lý giúp giảm bớt hiện tượng ăn nhau giữa 2 loài.

- Ao nuôi có hệ thống gờ nổi bên trong, hoặc là đào rãnh xung quanh có gò ở giữa để cua có thể đào hốc, hang trú ẩn.

- Khi lấy nước vào ao cần kiểm tra độ mặn, nếu chênh lệch độ mặn quá 3 phần ngàn khi thả giống sẽ làm cua bị lột vỏ bất thường, yếu và chết.

- Mật độ thả nuôi: Tôm sú thả nuôi theo hình thức 12 đến 15 con/m2. Với cua: Nếu thả cua hạt tiêu, tức cua bột mới xuất khỏi trại giống thì nên thả 1 đến 1,5 con/m2. Nếu thả cua hạt dưa thì thả khoảng 1 con/m2. Nếu thả cua hạt me thỉ thả khoảng 0,5 con/m2. Tức cua càng lớn mật độ thả càng thấp.

Sau khi nuôi được 3 tháng, có thể thu tỉa cua lớn và chắc thịt để bán. Sau 4 tháng cua trong ao đã bớt thì thu hoạch tôm, đồng thời làm cạn ao để thu cua. Khi đó, sẽ còn một số cua chưa chắc thịt, nên thả nuôi tiếp trong ao khác, sau 10 đến 12 ngày, cua sẽ chắc thịt lại và có thể bán mà không mất giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi tôm - cua kết hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO