Ô nhiễm kênh Ba Bò: Hai địa phương vẫn loay hoay

Lê Anh 11/10/2017 09:10

Kênh Ba Bò chảy qua quận Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) là một trong những tuyến thoát nước mưa quan trọng đối với cả TP HCM và Bình Dương. Hai địa phương đã bỏ ra hơn 10.000 tỷ đồng để cải tạo, khắc phục ô nhiễm, thế nhưng tình hình ô nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng, đặt các khu dân cư sinh sống ven kênh nơm nớp nỗi lo phát sinh bệnh dịch và ô nhiễm nguồn nước ngầm…

Theo khảo sát mới đây được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, mỗi ngày tổng lượng thoát nước của địa phương này đổ vào kênh Ba Bò có diện tích vào khoảng 1.000ha với ước tính lưu lượng nước thải khoảng 18.900 - 20.100m³ nước thải/ngày.

Trong số các nguồn thải ra kênh Ba Bò, tỉnh Bình Dương cho biết, KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 thải vào mỗi ngày khoảng 15.000 - 16.000m3 nước thải/ngày. Còn lại là nguồn thải từ các khu dân cư và các doanh nghiệp nhỏ lẻ nằm dọc kênh, với lưu lượng vào khoảng gần 5.000 m3 mỗi ngày.

Trước tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò gia tăng, tỉnh Bình Dương đã tìm giải pháp khắc phục, như nạo vét lòng kênh, xây dựng bờ kè kết hợp làm đường hai bên kênh. Chính quyền các xã, phường ven kênh thuộc khu phố Đồng An, Tân Long, Tân Đông Hiệp và một phần phường Dĩ An cũng vận động người dân không xả rác thải bừa bãi vào kênh.

Thay vào đó, tỉnh Bình Dương đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải thị xã Thuận An với công suất 17.000m³ nước thải/ngày để tiến hành thu gom nước thải từ các hệ thống đấu nổi nước thải của các khu vực dân cư đưa về nhà máy này để xử lý.

Hiện nay, Bình Dương cũng đã phê duyệt xây dựng nhà máy xử lý nước thải Dĩ An để đấu nối với hệ thống nước thải của các KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 và các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý KCN. Để giám sát các hệ thống đấu nối, tỉnh Bình Dương có kế hoạch đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung và thực hiện giám sát 24/24 giờ.

Dù đã có nhiều nỗ lực, ông Nguyễn Hồng Nguyên, phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Dương vẫn thừa nhận còn tình trạng các doanh nghiệp trong và ngoài các KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 xả lén nước thải chưa qua xử lý vào ban đêm. Ngoài ra, các khu dân cư mới hình thành ven kênh Ba Bò cũng đang gây áp lực lên hệ thống thoát nước của kênh Ba Bò. Nhiều khu thương mại, dịch vụ chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng nên hầu hết đổ thẳng hệ thống đấu nối vào kênh Ba Bò khiến cho dòng kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở TNMT thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nguồn nước vào kênh Ba Bò có dấu hiệu gia tăng nồng độ các chất BOD, hữu cơ đã vượt tiêu chuẩn cho phép gấp 10 lần của Bộ TNMT. Ông Thắng cho biết, cả TPHCM và tỉnh Bình Dương đã dành ngân sách ra khoảng 10.000 tỷ đồng để cải thiện tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc cân đối ngân sách cho cải thiện ô nhiễm môi trường tại kênh Ba Bò là rất khó khăn. Ông Tuyến đề xuất cả tỉnh Bình Dương và TPHCM cần phối hợp với nhau để triển khai hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động dọc tuyến kênh Ba Bò để tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước kênh, chia sẻ dữ liệu quan trắc giữa hai địa phương.

Về phía tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng- Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, về phía tỉnh này sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải đấu nối từ hai KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 để giảm thải các nguồn thải độc hại vào kênh Ba Bò.

Tuy thế, tới nay các phương án “giải cứu” kênh Ba Bò vẫn chưa rõ ràng, cụ thể và người dân trong khu vực vẫn phải chịu đựng sự ô nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm kênh Ba Bò: Hai địa phương vẫn loay hoay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO