Ô nhiễm không khí: Hành động ngay còn kịp

Lam Nhi 18/12/2019 01:00

Mức độ ô nhiễm không khí ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội vẫn liên tiếp ở mức đáng báo động những ngày qua. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để cả đô thị phát triển bền vững. Nhưng các giải pháp này cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí.

Ô nhiễm không khí: Hành động ngay còn kịp

Mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội chưa giảm.

Chỉ số ô nhiễm vẫn cao

Trong sáng 17/12, ứng dụng quan trắc Air Visual và kết quả quan trắc tại các điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP ghi nhận chất lượng không khí vẫn ở mức xấu ở nhiều nơi trên địa bàn. Cụ thể, tại khu vực Hoàn Kiếm, chỉ số chất lượng không khí ở mức 167 (theo Air Visual) và 160 (theo Sở TNMT TP) với cảnh báo có hại. Khu vực Bắc Từ Liêm là 156 và 136; khu vực Kim Liên là 151 và 104; khu vực Tân Mai là 132 và 90… với cảnh báo không tốt cho sức khỏe. So sánh số liệu của ngày 17/12 và các ngày trước đó cho thấy mức độ ô nhiễm không khí vẫn ở mức cảnh báo đỏ, chưa có dấu hiệu giảm.

Theo các chuyên gia, các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, loại máy đo… Căn cứ vào thang đo chất lượng không khí (AQI) theo hệ thống của Mỹ, nếu những chỉ số này cao cho thấy mức độ ô nhiễm không khí nhiều và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT Hà Nội), người dân cũng không nên quá hoang mang trước những số liệu này vì kết quả do AirVisual cung cấp là số liệu cao nhất sau khi tổng hợp tại 13 trạm đo chất lượng không khí ở Hà Nội. Vì vậy, kết quả này không thể đại diện cho cả TP. Mức chênh lệch của nơi thấp nhất trong TP với nơi cao nhất có thể lên đến 100 điểm AQI. Từ đó, kết quả có thể thay đổi từ mức kém lên mức rất có hại cho sức khỏe.

Trước mức độ ô nhiễm kéo dài và nghiêm trọng trong những ngày qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo, dù chậm chạp. Trước hết là những số liệu quan trắc đã được thông tin rộng rãi tới mọi người dân để mọi người nhận thức rõ hơn về việc này.

Lần đầu tiên, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khoẻ. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng sáng - tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…

Để hạn chế bụi mịn, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khẩu trang y tế, khẩu trang vải thông thường chỉ ngăn được bụi thô, không ngăn được bụi PM2.5. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi min này. Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng.

Tương tự, trong thông báo của Tổng cục Môi trường khuyến cáo: “Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường”.

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài

Bên cạnh những khuyến cáo này người dân trông chờ vào các giải pháp can thiệp trực tiếp và gián tiếp của TP, các cấp chính quyền nhằm bảo vệ bền vững cuộc sống. Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trước mắt, TP đã cho tăng lượng xe hút bụi gấp đôi thông thường.

Về lâu dài, TP đã triển khai xử lý ô nhiễm rất kỹ và từ rất sớm, không phải hôm nay mới làm. Cụ thể, Hà Nội đã trồng rất nhiều cây xanh. “Trước khi tôi lên Chủ tịch TP, lượng cây xanh bao phủ đạt 6,7-6,8 m2/người, nhưng nay đã đạt mức 9,5 m2/người”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thông tin.

Thứ hai, đã chuyển toàn bộ hình thức quét rác, khua bụi bẩn lên sang hình thức hút bụi và hút rác. Mỗi ngày 100 xe hút bụi đi hút quanh thành phố 2 vòng, mỗi xe hút được khoảng 1,6 khối bụi. Tức là có hàng trăm khối bụi trên toàn TP đã được hút. Ba là giải quyết ô nhiễm ở các hồ khu vực quanh TP. Trước kia các hồ bốc mùi ô nhiễm nồng nặc, góp phần ô nhiễm không khí. Giờ đã xử lý sạch mùi, cá sống tung tăng rồi…

Một giải pháp khác được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu ra là TP đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy. Bởi vì bụi ô nhiễm nhất hiện nay là từ khí khải của các loại xe.

Chia sẻ thêm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện TP đang gieo và ươm hàng trăm nghìn cây được các chuyên gia đến từ Italia và Singapore chuyển giao. Những cây này có thể hút mùi và bụi giống như Singapore đang trồng. Dự kiến ra Tết TP sẽ triển khai.

“TP đang triển khai rất tích cực chứ không phải không làm. Mục tiêu là phải làm để cả đô thị phát triển bền vững. Nhưng các giải pháp này cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Về phía người dân, các chuyên gia khuyến cáo cần tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ chính mình và mọi người bằng cách hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, không đốt rơm rạ, không dùng bếp than tổ ong, không xả rác ra nơi công cộng… Mỗi một nỗ lực nhỏ cũng sẽ góp phần tạo nên chuyển biến lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm không khí: Hành động ngay còn kịp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO