Ô nhiễm không khí: Tâm điểm tranh luận của kỳ bầu cử Tổng thống Hàn Quốc

03/05/2017 08:35

Ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn nạn lớn ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thậm chí trở thành một đề tài tranh luận chính trị gay gắt ở nước này trong bối cảnh kỳ bầu cử Tổng thống sớm sẽ diễn ra trong vài ngày tới để tìm ra người kế nhiệm bà Park Geun-hye.

Một nhân viên lau cửa kính trước bầu không khí đặc khói bụi
ở Seoul hồi tháng trước. (Nguồn: Yonhap).

Mùa xuân là thời điểm mà Seoul phải chứng kiến mức độ ô nhiễm không khí khủng khiếp nhất. Sự kết hợp của khói và thứ bụi màu vàng đến từ sa mạc Gobi của Mông Cổ đã tạo nên một làn sương đặc quánh màu xám bao phủ toàn bộ thủ đô của xứ sở Kim chi. Bởi vậy mà ô nhiễm không khí đã trở thành đề tài được quan tâm nhất trong kỳ bầu cử Tổng thống ở nước này, dự kiến tổ chức trong ngày 9-5 tới đây.

“Tôi sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của mình để biến Hàn Quốc thành một đất nước sạch đẹp” - ông Moon Jae-in, ứng viên đảng Dân chủ đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Xanh, nói hồi tháng trước - “Người dân đang rất tức giận vì chính phủ thiếu hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí”.

Ông Moon cùng đối thủ sát nút của mình, ông Ahn Cheol-soo, đều cam kết sẽ phối hợp với Trung Quốc - nước bị cho là gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở Hàn Quốc, dù các nhà hoạt động môi trường cho rằng vấn đề do chính nội tại nước này. Họ cũng tuyên bố sẽ ngừng cấp phép tất cả các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than đốt.

Trong khi đó, ông Hong Joon-pyo, ứng viên đảng Tự do Hàn Quốc, cũng cam kết sẽ phối hợp với Trung Quốc và tăng số lượng các xe hơi thân thiện với môi trường vận hành trên các tuyến đường thủ đô.

Hiện nay, Seoul đã sánh bước cùng Bắc Kinh (Trung Quốc) và New Delhi (Ấ Độ) trong bảng xếp hạng top 10 thành phố châu Á có mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng nhất. Thủ đô của Hàn Quốc còn có mức độ PM2.5 - do số lượng các hạt có khả năng hấp thụ arsen và chì, sau đó thẩm thấu vào phổi người, gây ra nhiều chứng bệnh về hô hấp - cao kỷ lục.

Chỉ trong vài tháng đầu năm nay, Seoul đã đo được chỉ số PM2.5 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chính quyền phải khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài đường và các nhóm người nhạy cảm với không khí nên ở trong nhà để tránh hít phải các loại hạt độc hại.

“Tôi thực sự cảm thấy thất vọng vì vấn đề ô nhiễm môi trường không thể được giải quyết với tư cách công dân” - Lee Eun-jung, bà mẹ 2 con ở Seoul, nói - “Con gái lớn của tôi vẫn phải đến trường trong những ngày mức độ ô nhiễm lên tới mức nguy hiểm. Điều này làm tôi rất đau lòng”.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh dịch Mỹ (CDC) từng liên hệ PM2.5 với hàng loạt các chứng bệnh, trong đó gồm ung thư, bệnh tim mạch và giảm tỷ lệ sinh đẻ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây còn dự báo rằng cứ mỗi 1 triệu người Hàn Quốc thì sẽ có khoảng 1.069 người bị chết sớm do ô nhiễm không khí. Hàn Quốc hiện là quốc gia duy nhất thuộc “CLB các nước giàu” vượt qua ngưỡng 1.000 người chết trên mỗi 1 triệu người do vấn đề ô nhiễm không khí.

Một số nghiên cứu trong nước thì chỉ ra rằng thiệt hại về kinh tế gây nên bởi ô nhiễm không khí ở Hàn Quốc là khoảng 9 tỷ USD/năm và con số này sẽ còn tăng gấp đôi trong năm 2060.

Hàn Quốc từng lên tiếng đổ lỗi cho Trung Quốc đã gây ra các vấn đề ô nhiễm không khí của họ, chủ yếu do các nhà máy điện than đốt cùng các nhà máy lớn của nước này xả khói ra môi trường, sau đó lượng khói này bị gió cuốn tới bán đảo Triều Tiên.

“Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu”, Bộ Môi trường Hàn Quốc nói trong một báo cáo công bố hồi tháng trước, nói rằng Trung Quốc gây ra khoảng 30-50% lượng PM2.5 ở Hàn Quốc trong những ngày thường, và 60-80% trong những ngày tồi tệ nhất. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đề nghị phối hợp với chính quyền Bắc Kinh về vấn đề giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, giới hoạt động vì môi trường và phân tích lại cho rằng ô nhiễm không khí xuất phát từ chính bên trong Hàn Quốc. Họ cho rằng ngay cả trong trường hợp Trung Quốc gây ra 30-50% lượng hạt độc hại, thì 50-70% là do chính các nguồn ở Hàn Quốc, bao gồm khí thải từ các phương tiện sử dụng dầu diesel, bụi bẩn từ các công trường xây dựng và việc đốt rác trái phép.

Hiện 40% năng lượng điện ở Hàn Quốc đến từ 50 nhà máy nhiệt điện than đốt ở nước này, trong khi chính phủ còn lên kế hoạch sẽ xây thêm 20 nhà máy kiểu này đến năm 2021, bất chấp việc nước này đã ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chính quyền Seoul cũng từng chỉ thị xe hơi được hoạt động luân phiên trong những ngày cố định tùy thuộc vào biển số, nhưng lại chỉ áp dụng cho xe công.

Bà Lee Eun-jung cho hay bà đang nỗ lực hết sức để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, bằng cách lắp đặt tới 3 máy lọc khí tại nhà và chi khoảng 50 USD mỗi tháng chỉ để mua khẩu trang cho gia đình. Tuy nhiên, điều mà bà Lee mong muốn nhất chính là hành động quyết liệt hơn từ phía chính phủ Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm không khí: Tâm điểm tranh luận của kỳ bầu cử Tổng thống Hàn Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO