Omicron làm Nam Mỹ giảm lạc quan

Hà Anh 15/01/2022 14:00

Dấu hiệu của sự trở lại bình thường tại khu vực Nam Mỹ đã bị xóa tan khi số ca mắc Covid-19 tăng chóng mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cao là lý do để các nước trong khu vực hy vọng có thể “sống chung” với Covid.

Biến thể Omicron khiến nhiều nước Nam Mỹ mất đi sự lạc quan sau làn sóng. DeltaẢnh: Reuters

1. Khi năm thứ hai của đại dịch sắp kết thúc và tỷ lệ người mắc Covid-19 ở Rio de Janeiro (Brazil) giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ khi nó bắt đầu, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng của thành phố này, ông Daniel Soranz, đã tổ chức một khoảng thời gian nghỉ ngơi cho mọi người.

“Chúng tôi đã trải qua những tháng ngày đau khổ, khó khăn…, đây là khoảnh khắc hy vọng”, vị bác sĩ 42 tuổi nói vào tháng 11/2021 khi cuộc sống của người dân Rio de Janeiro lấy lại vẻ bình thường, bệnh viện vắng người và hoạt động văn hóa sôi động của thành phố lại được tái sinh.

Nhưng năm mới và sự xuất hiện của biến thể Omicron rất dễ lây lan, đã đưa ông Soranz và nhiều người khác “rơi trở lại mặt đất” khi các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng khắp châu Mỹ Latinh với những hậu quả vẫn chưa rõ ràng.

“Thực sự rất mệt mỏi”, ông Soranz thừa nhận khi tình trạng lây nhiễm ở thành phố bên bờ biển tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay và kế hoạch cho lễ hội hóa trang thường niên của thành phố Rio de Janeiro bị thay đổi. “Đại dịch này đã diễn ra trong gần 2 năm. Thật là mệt mỏi. Nhưng không thể làm gì cả”, ông Soranz nói và lưu ý rằng, 20% nhân viên y tế của Rio de Janeiro - khoảng 5.000 người - đã bị nhiễm bệnh kể từ tháng 12/2021.

Sự chán nản, đang được nhìn thấy ở khắp Nam Mỹ, khu vực đã từng chứng kiến những khoảnh khắc ảm đạm của đại dịch. Tuy nhiên, khu vực này cũng đã tận hưởng khoảnh khắc lạc quan được mong đợi từ lâu sau khi trở thành một trong những “nhà vô địch” tiêm chủng thế giới. Theo thống kê, gần 65% người Nam Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, so với khoảng 62% ở châu Âu và Mỹ, ít hơn 10% ở châu Phi.

Cho đến nay, Argentina là quốc gia Nam Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Omicron. Trong tuần trước, quốc gia này đã chiếm hơn 50% số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Nam Mỹ và có số ca mắc hàng ngày cao thứ bảy trên thế giới.

Thế nhưng, dù số ca mắc đang tăng lên theo đường thẳng từ mức khoảng 2.400 ca/ngày vào một tháng trước lên hơn 130.000 ca/ngày ở thời điểm hiện tại, các nhà chức trách vẫn cho biết, họ không quá lo lắng. Lý do được đưa ra là bởi Covid-19 đã trở thành một căn bệnh đặc hữu và tiêm chủng là biện pháp bảo vệ cần thiết duy nhất. Chính phủ Argentina thậm chí còn nới lỏng các quy định hạn chế hơn so với tháng 9 năm ngoái khi các nhà hàng, các trận đấu bóng đá và địa điểm giải trí được mở cửa trở lại, trong khi quy định đeo khẩu trang ngoài trời được dỡ bỏ.

Với đánh giá ngược lại, ông Arnaldo Dubin, một bác sĩ ICU tại một bệnh viện tư nhân ở Buenos Aires, cho biết, ông nghi ngờ sâu sắc về chính sách Covid-19 của Argentina và tin rằng các quy định đeo mặt nạ phải quay trở lại. “Thật kinh hoàng. Chúng ta đang ở trong tình huống Covid-19 rất nghiêm trọng, điều nghịch lý là các biện pháp phòng dịch lại được nới lỏng hoàn toàn trong thời điểm này”.

2. Tại Peru, quốc gia có tỷ lệ tử vong tính theo đầu người tồi tệ nhất thế giới, cũng đang phải chịu đựng khi nhiều ca nhiễm bệnh được xác nhận hơn trong tuần đầu tiên của tháng 1 so với làn sóng dịch bệnh thứ hai vào đầu năm 2021. Các quốc gia Nam Mỹ khác bao gồm Bolivia, Guyana và Uruguay có cũng đã chứng kiến sự lây nhiễm tăng vọt, trong khi xa hơn về phía bắc, Omicron dường như đang hoành hành ở Mexico.

Một kỷ lục với 30.671 ca mắc Covid-19 đã được xác nhận tại Mexico hôm 9/1. Tiếp đó, trong ngày đầu tuần này, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, thông báo rằng, ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính lần thứ hai trong một năm và đang cách ly. “Tôi nghĩ đó là bệnh cúm” ông López Obrador, người đã bị chỉ trích khi xử lý đại dịch một cách phiến diện, xuất hiện và phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày mà không đeo khẩu trang, mặc dù thừa nhận bản thân đang cảm thấy bị khàn tiếng.

Tại Brazil, quốc gia đang phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch lớn, cũng chịu áp lực mặc dù một số liệu thống kê dường như bị mất do một cuộc tấn công mạng vào bộ Y tế đang cản trở nỗ lực theo dõi sự gia tăng.

Ông Isaac Schrarstzhaupt, một nhà khoa học theo dõi số liệu thống kê Covid, cho biết, Brazil rõ ràng đang bước vào một làn sóng mới, với các bang như Rio Grande do Sul và São Paulo đang chứng kiến “sự gia tăng chóng mặt” các ca lây nhiễm tương tự như ở châu Âu. “Vì bị mất số liệu, chúng tôi không xác định được quy mô của làn sóng lần này và tôi e rằng, chúng tôi sẽ chỉ hiểu rõ tình hình khi các bệnh viện bắt đầu lên tiếng về những rắc rối gặp phải trước dịch bệnh”, ông Schrarstzhaupt nói.

Ông Schrarstzhaupt cũng đồng thời cảnh báo rằng: “Ngay cả khi giảm được 95% các ca bệnh nặng, nhưng nếu chúng tôi đạt tới con số một triệu trường hợp mỗi ngày như ở Mỹ, thì 5% còn lại vẫn sẽ là một con số rất lớn”.

Cùng quan điểm, ông Soranz cho biết, chắc chắn Omicron đang thúc đẩy một đợt bùng phát Covid-19 lớn tại Rio de Janeiro. Bởi Omicron chỉ mất 17 ngày để trở thành biến thể thống trị tại thành phố này, trong khi, các biến thể trước đây phải mất hơn 45 ngày để làm điều tương tự.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng lên tiếng bác bỏ những quan điểm cho rằng, Omicron có thể là nhân tố tích cực chấm dứt đại dịch. Theo ông Tedros, không nên để biến thể này lây lan tự do, đặc biệt khi vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa tiêm chủng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Omicron làm Nam Mỹ giảm lạc quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO