Phá Tam Giang và nỗi lo từ những chuyến đò

Hữu Tin 01/08/2016 07:25

Bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu nối hai xã Quảng Lợi và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tồn tại cả trăm năm nay. Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách qua lại tại đây, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn cho hành khách qua đò vẫn còn nhiều bất cập.

Đò vô tư rời bến dù hành khách không mặc áo phao.

Thực trạng

Bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu hiện có 8 chiếc đò gắn máy, được phép chở tối đa 7 xe máy và 15 người. Tuy nhiên, chỉ có 4/8 đò có đăng kiểm đảm bảo an toàn phương tiện theo quy định vì những lí do khác nhau. Khách qua đò mỗi ngày có đến hàng trăm lượt nhưng hiển nhiên không thấy một hành khách nào trên đò mặc áo phao.

Những người chủ đò cũng chẳng nhắc nhở hành khách mặc áo phao hay dùng dụng cụ cứu hộ gì cả. Và như thế, hết chuyến đò này đến chuyến đò khác, cứ thế mà qua lại trên đoạn đường khoảng gần 2km đường sông.

Bến đò chủ yếu phục vụ đưa đón cán bộ địa phương, giáo viên và những người buôn bán qua về hai xã, cộng thêm ít du khách đi chơi biển Quảng Ngạn, Hải Dương, nhưng lượng khách này không đáng kể.

Trong khi cán bộ, giáo viên đi đò đều được giảm, miễn giảm vé, nhưng mỗi năm HTX phải đóng lên huyện 35 triệu đồng, rồi thuế môn bài mỗi năm gần 20 triệu. Thu nhập của các chủ đò không được là bao, dẫn đến tình trạng các chủ đò không đăng kiểm hết số lượng đò cũng như việc đảm bảo an toàn cho hành khách còn hạn chế.

Khi được hỏi đến việc đảm bảo an toàn trên thuyền đò thì ông Trần Thế Lữ- Phó Chủ nhiệm HTX đường sông Quảng Điền- đơn vị quản lý bến đò cho biết: Thuyền ở đây được làm từ loại nhôm tốt, hai bên làm thêm cặp “phao nẹp” nên khó xảy ra vấn đề gì.

Còn việc hành khách không mặc áo phao thì cũng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn do bất tiện cũng như yếu tố chủ quan. Với lại nhưng người qua đò đa phần cán bộ và giáo viên họ ăn mặc sạch đẹp nên không ai chịu mặc những chiếc áo phao có phần cũ vì sợ bẩn (!).

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ tại bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu mà các bến đò khác vẫn diễn ra tình trạng trên. Tại bến đò Bao Vinh (thôn Bao Vinh, Xã Hương Vinh, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) do hai xã Hương Vinh và Phú Mậu phối hợp với cảnh sát đường thủy quản lí.

Tại đây, bến đò hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ mỗi ngày, trên đò vẫn được trang bị các thiết bị cứu hộ áo phao đầy đủ. Nhưng khi khách qua đò thì không ai mặc áo phao hay dùng bất cứ dụng cụ cứu hộ nào để trên đò.

Không áo phao vẫn vô tư

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bất ngờ trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện những chủ đò gian lận khi gắn số hiệu những chiếc đò chưa đăng kiểm trùng với những chiếc đủ điều kiện hoạt động. Ngay lập tức, ông Phương đã đề nghị những chiếc đò không đủ điều kiện phải xóa số, tháo lái và đưa lên bờ.

Ban quản lí các bến đò cần siết chặt vấn đề an toàn đường thủy. Khi trời mưa gió có hiện tượng thời tiết xấu thì không cho phép các đò thực hiện việc chở khách qua lại các bến.

Cuộc họp về vấn đề đảm bảo an toàn đường thủy do ông Nguyễn Văn Phương chủ trì đã chỉ rõ hoạt động vận chuyển, chuyên chở hành khách tại các bến đò ngang bộc lộ những bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vấn đề không may, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyên chở hàng khách còn thiếu.

Các đơn vị quản lý hoạt động các bến đò chưa có phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra, vẫn còn tình trạng chở khách vượt quá số người quy định, khách không mang áo phao khi lên đò...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phương cho biết: Sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân. Việc chưa xảy ra tai nạn về giao thông đường thủy nên người đi đò lẫn chủ đò đều có tâm lí chủ quan. Các điều kiện đảm bảo an toàn phương tiện đường thủy cũng như đầu tư các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế.

Ông Phương cũng yêu cầu các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh quan tâm, hỗ trợ phương tiện cứu nạn, cứu hộ (như áo phao, dụng cụ cứu hộ cần tay, phao cứu sinh...), xây dựng các biển nội quy và biển báo an toàn giao thông đường thủy tại các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khi đi trên các phương tiện đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn tại các bến đò ngang cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Các địa phương cần có phương án cụ thể, tránh tình trạng phát triển tự phát, kêu gọi đầu tư xây dựng cầu ở những nơi có nhu cầu đi lại cao, để người dân không phải đối mặt với hiểm họa của đò ngang.

Trước hết, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tính mạng của mình, tự giác chấp hành tốt quy định an toàn khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy. Có như vậy, nổi lo từ những chuyến đò ngang mới có thể được đẩy lùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phá Tam Giang và nỗi lo từ những chuyến đò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO