Phải có những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

H.Vũ 09/10/2021 06:26

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa bế mạc hôm 7/10. Nhiều ý kiến cho rằng, cái mới của hội nghị lần này trong công tác xây dựng Đảng là đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 4 có 2 điểm mới quan trọng. Theo đó, đợt này Trung ương bàn thêm vấn đề chống tiêu cực. Trong chống tiêu cực, hội nghị Trung ương 4 nhấn mạnh đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đây chính là nguồn gốc dẫn tới những suy thoái khác. Như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Suy thoái này nó chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn nhưng có thể dẫn tới sự phản bội lại lý tưởng của Đảng của dân tộc, cách mạng” - ông Phong đánh giá.

Điểm nhấn thứ hai của Hội nghị Trung ương 4 nằm ở việc xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Ông Phong cho rằng: Trước đây chúng ta tập trung về vấn đề xây dựng Đảng. Nhưng Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nếu chúng ta không có được sự vững vàng, trong sáng về chính trị tư tưởng thì rất dễ dùng quyền lực để tham nhũng. Cho nên lần này Đảng nhấn mạnh thêm nội dung xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị.

Liên quan đến vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở tại hội nghị lần này đó là: “Từng Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.

Ông Phong phân tích, Bác Hồ đã tổng kết: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nghị quyết Trung ương 4 lần này nhắc lại điều ý nghĩa lớn đó. Những người ở vị trí cao khi trở thành tấm gương sáng, “nói đi đôi với làm”, “gương mẫu” sẽ có sức lan tỏa rất lớn trong toàn xã hội. Sự nêu gương của lãnh đạo sẽ tạo nên hiệu ứng cho cán bộ bên dưới nêu gương. Như thế chúng ta có được một lực lượng nêu gương rất tốt.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” như trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương đã thảo luận và thống nhất, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ông Sửu cho rằng, từ “nhìn thẳng vào sự thật”, nói rõ sự thật sẽ phân tích, làm rõ sự thật để từ đó có giải pháp giải quyết. Nhưng quan trọng nhất vẫn chính là phải “hành động”.

Theo ông Sửu, xây dựng chỉnh đốn Đảng đã có 3 Nghị quyết liên tiếp (từ Đại hội XI cho đến Đại hội XIII). Vì vậy bây giờ phải có những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Từ đó theo ông Sửu, cán bộ cấp trên phải tinh tường nhìn ra khả năng dám nghĩ, dám làm của những cán bộ cấp dưới, bởi sáng suốt mới có thể phát triển. Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 KL/TW khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đó là vấn đề rất “trúng”, điều cần làm là phải thực hiện cho tốt. Điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh của người lãnh đạo.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Ông Huỳnh cho rằng, nhạt phai lý tưởng cách mạng là con đường gần dẫn đến suy thoái. Vì vậy, tính tiên phong, gương mẫu, đức hy sinh của mỗi đảng viên phải trở thành lý tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải có những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO