Phải tăng năng lực y tế cơ sở

Hoàng Mai 15/11/2021 09:00

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã đi được hơn nửa chặng đường bằng hình thức trực tuyến và bắt đầu tuần làm việc cuối cùng bằng hình thức trực tiếp hôm 8/10 (trừ 2 đoàn ĐBQH xin họp trực tuyến).

Tuần làm việc cuối cũng là tuần làm việc với nhiều nội dung rất quan trọng khi Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội và 2,5 ngày tiếp theo để thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với hoạt động được trông đợi nhất trong mỗi kỳ họp là chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội; Ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: VGP.

1. Trong thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành thời gian để “mổ xẻ” công tác chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Chính phủ đã rất kịp thời chuyển hướng chỉ đạo trong chống dịch từ mục tiêu kép sang mục tiêu bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, trước hết- đó là lúc biến chủng Delta gây khó cho hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Việc chuyển mục tiêu ấy, thực chất đã giúp chúng ta hạn chế những hậu quả do dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành. Ngay cả với giãn cách xã hội, chúng ta cũng đã có sự chuyển hướng mục tiêu từ cách ly diện rộng sang chỉ cách ly ở những khu vực nhỏ có người nhiễm, từ lúc chưa có vaccine thì áp dụng một số biện pháp hành chính nghiêm ngặt, sau bao phủ vaccine đến tỷ lệ nhất định thì nới lỏng dần. Trong đại dịch, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 105 để hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Cho nên, dù chưa có tiền lệ, dù vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng các biện pháp phòng, chống dịch của chúng ta đã khá hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn bảo đảm yêu cầu chung, với những nỗ lực cố gắng vượt bậc. Cũng vì thế ta đã có sự đồng lòng nhất trí của người dân. Nhưng, có lẽ cần phải nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, hạn chế thậm chí là yếu kém trong phòng, chống dịch Covid-19 để khắc phục và để không còn những chuyện ngoài ý muốn xảy ra do dịch bệnh.

2. Từ điểm họp trực tuyến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) nhắc lại con số: Gần 20.000 người đã ra đi vì Covid-19, còn nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt trong giai đoạn Covid-19 và gián tiếp ra đi vì dịch bệnh. Phải làm sao chặn được nguy cơ bệnh nhân trở nặng và tử vong. Nhìn nhận những gì đã xảy ra, đại biểu đề nghị nhiều vấn đề để tăng cường khả năng phòng chữa bệnh của ngành y tế.

Thứ nhất, phải xem lại thực trạng y tế cơ sở của chúng ta khi mà 3 khóa gần đây, Quốc hội luôn dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, cơ sở, nhưng số địa phương thực hiện được điều này còn đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể 30% này cũng chưa đáng kể gì nếu so với nhu cầu thực tế, bà Phong Lan trăn trở. Đại biểu này nhấn mạnh, nếu không giải quyết một cách căn cơ vấn đề thì chúng ta sẽ bị động.

Tuy nhiên, theo bà Phong Lan cùng với ngân sách còn có vấn đề nhân lực. Làm sao để thu hút được nhân lực chất lượng cao về y tế cơ sở? “Có bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, có trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính. Tình trạng này đã tồn tại từ những năm 2006 - 2007 đến nay, trong khi lương không tăng, người không tăng”, nữ đại biểu từng có thời là Phó Giám đốc sở Y tế TP HCM y tế bày tỏ quan điểm.

Thứ hai, dịch bệnh là phép thử năng lực điều trị của chúng ta. Chúng ta tập trung vào chống dịch, nhưng còn các bệnh khác nữa. Các bệnh viện chưa được chuẩn bị về cơ sở pháp lý, kiến thức cần thiết, vật tư y tế thuốc, cơ chế tài chính. Sự phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng nên các bệnh viện lúng túng trong thanh toán.

Đại biểu Nguyễn Khánh Phong Lan cũng đề nghị phân công rạch ròi để cho bảo hiểm chi trả tiền xét nghiệm và áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất, tránh tình trạng loạn giá xét nghiệm. Đồng thời, bà Phong Lan cũng đề nghị, cần có cơ chế để y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch, chứ không nên “cái gì cũng muốn bao cấp”, vì ngân sách không lo xuể.

3. Một số đại biểu cũng đã nêu các băn khoăn trong công tác chống dịch thời gian qua, nhất là ở cấp cơ sở. Điều đó cho thấy, cuộc sống thường nhật đã đi vào nghị trường với nhiều màu sắc; không chỉ có cái hay, cái đẹp mà còn cả những cái chưa thật đẹp, chưa thật hoàn thiện. Nhưng như thế mới thấy, bức tranh cuộc sống là muôn màu và, nghị trường cũng như các đại biểu ở nghị trường đã cố gắng đưa hơi thở của đời sống vào phòng họp.

Trở lại những cảnh đời chống chọi với dịch Covid-19, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nhắc đến chuyện, công tác dự báo tình hình dịch Covid-19 có lúc cũng chưa sát với thực tế. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu đợt dịch thứ tư có nơi còn có phần lơ là, chủ quan, nhất là trong chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể và đột xuất.

Đặc biệt, bà Linh cho biết “còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ cũng còn bất cập, rườm rà và tiến độ giải ngân cũng còn chậm. Việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng cũng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa được thống nhất.” Để khắc phục tình trạng trên, bà Linh đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề. Nổi lên trong đó là đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch Covid-19, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19.

Quan tâm nghiên cứu có chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công nhân, viên chức các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở và các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc Covid-19 và những người hy sinh, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Bà cũng đề nghị, cần đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không để sót và lọt đối tượng. Rồi, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật, các trường hợp phát hiện có sai phạm.

Những điều các đại biểu Quốc hội nhắn nhủ cũng chính là tâm tư của cử tri gửi đến Quốc hội. Chúng ta cũng đã có những bài học về bảo vệ sức khỏe nhân dân trong đại dịch. Giờ có lẽ là lúc nhìn lại, để cùng nhau rút kinh nghiệm.

Ở góc độ của mình, được nhân dân tin tưởng, không chỉ nói lên tâm tư của cử tri, nhân dân; giờ là lúc các đại biểu Quốc hội cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát. Phải làm đến nơi, đến chốn, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất, theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận của Quốc hội để cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải tăng năng lực y tế cơ sở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO