Phản ứng chậm của cơ quan nhà nước ảnh hưởng đến người dân

M.Loan-H.VũẢnh: Quang Vinh 22/10/2019 22:06

Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ, với nhiều vấn đề được đặt ra. Đáng chú ý, theo ý kiến ĐBQH, qua sự cố cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và ô nhiễm nguồn nước tại Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cho thấy sự chậm trễ, lúng túng từ cơ quan quản lý, ảnh hưởng tới người dân.

Phản ứng chậm của cơ quan nhà nước ảnh hưởng đến người dân

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham gia thảo luận tại tổ, ngày 22/10.

Băn khoăn tính vững chắc của tăng trưởng

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và sự vào cuộc của nhân dân kết quả tăng trưởng kinh tế đã đạt được thành quả “kép”, tăng trưởng cao đi đôi với dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên Chính phủ cần phân tích rõ hơn về những khó khăn thách thức cũng như có giải pháp khắc phục. Cụ thể, phát triển kinh tế tăng trưởng cao nhưng còn băn khoăn về tính vững chắc của tăng trưởng, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 40%, trong khi vốn vay nước ngoài ODA còn thấp hơn nữa. Theo ông Lâm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm đang làm giảm tăng trưởng, bởi nếu huy động được các nguồn lực vào trong quá trình sản xuất, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. Hay như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không tắc đường hàng giờ, nhích từng tý thì sự lưu thông của nền kinh tế còn lớn hơn nữa để đóng góp cho tăng trưởng.

Nguyên nhân của những hạn chế trên được ông Lâm nhìn nhận chính là phản ứng của các cơ quan nhà nước với chính sách còn chậm. Vì ùn tắc đô thị là vấn đề diễn ra bao nhiêu năm nay nhưng giải pháp đưa ra chưa có triển vọng. “Còn tồn tại bao lâu nữa?”- ông Lâm nêu câu hỏi khi cho rằng các giải pháp đưa ra chưa triệt để. Bên cạnh đó, an ninh môi trường, nước sạch, không khí có vấn đề, rác thải ở các đô thị đang trở thành những vấn đề nóng do đó Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết.

Đánh giá cao kết quả thực hiện năm 2019, đạt và vượt tất cả chỉ tiêu, song ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn về chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là tác động của khoa học - công nghệ đối với tăng trưởng. Ông Hận cũng đề nghị làm rõ hiệu quả của liên kết vùng và thế mạnh của từng vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Nói như lời ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì điệp khúc giải ngân chậm vốn đã trầm trọng hơn rất nhiều, chỉ đạt 49,1%. Về vấn đề này, nguyên nhân chính được xác định là do hệ thống pháp luật, nhưng tôi cho rằng không phải do hệ thống pháp luật. Không chỉ ra được quy định nào bất cập thì chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật, trong khi khâu tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế như giải phóng mặt bằng, giao vốn, chuyển nguồn vốn”.

Đạo đức công vụ xuống cấp

Theo đánh giá của ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), trong khi sự phối hợp giữa các bộ ngành đã có phần được cải thiện, thì ở địa phương đây vẫn là khâu hạn chế. Nhược điểm này thể hiện rất rõ khi xảy ra sự cố môi trường, điển hình là trong việc xử lý hậu quả vụ cháy tại nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và sự cố nguồn nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Hà Nội) chậm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân, làm nhân dân lo lắng, mất lòng tin.

“Đạo đức của công chức chúng ta rất đáng báo động”- ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận từ những vụ gian lận thi cử. Bà nói: “Có những người ra toà mà nói không còn liêm sỉ, nó đánh mất niềm tin của con người. Thời chúng tôi chỉ hơn nhau 0,5 điểm đã không còn cơ hội, mà giờ gian lận như vậy, ra tòa không những không ăn năn mà còn chối tội hết sức ấu trĩ. Cho nên phải xem lại đạo đức công vụ, nhất là đạo đức công vụ ở những cán bộ làm quản lý”.

Phản ứng chậm của cơ quan nhà nước ảnh hưởng đến người dân - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Thận trọng trong xóa nợ thuế hơn 42 ngàn tỷ đồng

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm ngày 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng do một số đơn vị mới tập trung vào thu các khoản nợ có khả năng thu hồi, còn nợ đọng chưa được xử lý dứt điểm do chưa có cơ chế để thực hiện. “Chính phủ thấy rằng việc báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng thu nộp ngân sách nhà nước”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Phản ứng chậm của cơ quan nhà nước ảnh hưởng đến người dân - 2

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu.

Thảo luận ở tổ trong buổi chiều về nội dung trên, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng: Số tiền nợ thuế năm 2019 đã tăng 8,2% so với năm 2018. Nguyên nhân thực chất của việc tăng nợ thuế là do tiền phạt nộp tăng lên quá nhanh 0,03%/ngày, nhân với 365 ngày trong năm thì số tiền rất lớn cho nên để xử lý cần cơ chế chính sách triệt để. Tuy nhiên theo ông Tiến, cần xem lại đối tượng xử lý như người nộp thuế bị thiệt hại do thiên tai cần đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai, bởi nếu chỉ ngập một tý rồi đổ cho thiên tai để được xóa nợ thuế là không ổn. Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng cần tính toán kỹ, không nên tạo thành tiền lệ để tránh phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh), Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể về hành vi trốn thuế, do đó trong xóa nợ thuế cần làm rõ những đối tượng để phân loại, nếu không làm rõ sẽ không công bằng về mặt pháp luật đối với những doanh nghiệp nghiêm chỉnh nộp thuế.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) băn khoăn khi đầu tư kết cấu hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế. Cử tri bức xúc về giao thông vận tải nhưng không giải quyết căn cơ, nhiều người nói chạy trên đường quốc lộ, các tỉnh bạn đường bon bon, cứ thấy gặp ổ gà là biết vào Cần Thơ. Từ đó dẫn đến việc nơi xe chờ đường, nơi đường chờ xe, nơi giao thông cần nhưng không được đầu tư vì vậy cần quan tâm đến vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản ứng chậm của cơ quan nhà nước ảnh hưởng đến người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO