Thực hiện BHXH cho người lao động nước ngoài: Không dễ

Lan Hương 22/07/2017 09:05

Luật BHXH 2014 quy định, từ 1/1/2018 sẽ mở rộng đối tượng áp dụng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhóm lao động này. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc thực hiện BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài lại không hề dễ dàng.

Ảnh minh họa.

Để làm được điều này, ngoài quy định luật pháp của quốc gia (đã được quy định trong Luật BHXH 2014) còn cần phải có những hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và các nước có NLĐ đang làm việc tại Việt Nam để quy đổi, thực hiện chính sách BHXH liên thông, tương đồng và bình đẳng (Việt Nam hiện đang đàm phán với Đức và Hàn Quốc về vấn đề này).

Cần thiết

Theo Bộ LĐTB&XH trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, lao động di cư là một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Để bảo vệ quyền của NLĐ di cư, cộng đồng quốc tế đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc thông qua việc ban hành các công ước quốc tế, hiệp định đa phương, hiệp định song phương.

Nguyên tắc “bình đẳng trong đối xử” được nêu tại Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội năm 1952 và Công ước số 118 năm 1962 đảm bảo bình đẳng giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài ở các chế độ BHXH. Do đó, việc áp dụng chính sách BHXH của một quốc gia đối với lao động của mình như thế nào thì được khuyến nghị áp dụng đối với lao động nước ngoài tương tự như vậy.

Theo ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH), tại một số nước, việc áp dụng BHXH đối với NLĐ nước ngoài mở ra cơ hội giúp nhiều người được tiếp cận chế độ BHXH của quốc gia mà họ đến làm việc. Theo quy định của Việt Nam, nhóm lao động này nếu có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc.

Hiện nay, Luật BHXH đã quy định, NLĐ là công dân Việt Nam nếu làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chính vì vậy, trên nguyên tắc bình đẳng trong đối xử, thì NLĐ là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam theo HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên cũng sẽ thuộc đối tượng áp dụng tham gia BHXH bắt buộc.

Cần có lộ trình cụ thể

Theo thống kê, hiện nay lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh, từ 12.602 người (năm 2004) lên gần 84.000 người (năm 2016)- hầu hết là NLĐ có trình độ, tay nghề cao, được cấp phép (lao động nữ chiếm 16,3%). Lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ 110 quốc gia, trong đó đến từ các quốc gia châu Á chiếm 73% tổng số lao động nước ngoài (một số quốc gia có đông lao động như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); lao động châu Âu chiếm 21,6%; số lao động nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4%.

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ nước ngoài làm việc ở Việt Nam theo Dự thảo Nghị định về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, khi tham gia BHXH, NLĐ sẽ được hưởng 5 chế độ (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất). Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất phương án: Từ 1/1/2018, thực hiện 3 chế độ (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN); từ 1/1/ 2020 thực hiện chế độ dài hạn (hưu trí, tử tuất).

Phương án trên theo nhiều doanh nghiệp các chế độ ngắn hạn rất nhân văn, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trước những rủi ro trong quá trình lao động, nên việc triển khai từ 1/1/2018 hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, nhóm chế độ dài hạn lại chưa thực sự khả thi, vì sẽ có tình trạng đóng BHXH 2 lần. Ngoài ra, khối lượng công việc gia tăng, trong khi hệ thống quản lý chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; việc phải sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau trong giao dịch sẽ khiến việc thực hiện chính sách gặp khó khăn…

Qua kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc thực hiện BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài là xu thế chung, nhưng lại không hề dễ dàng. Để làm được điều này, ngoài quy định luật pháp của quốc gia (đã được quy định trong Luật BHXH 2014) còn cần phải có những hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và các nước có NLĐ đang làm việc tại Việt Nam để quy đổi, thực hiện chính sách BHXH liên thông, tương đồng và bình đẳng (Việt Nam hiện đang đàm phán với Đức và Hàn Quốc về vấn đề này).

Tuy nhiên, đây là vấn đề cần rất nhiều thời gian, công sức; nếu không làm được thì bản thân NLĐ sẽ không nghiêm túc tuân thủ, dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện BHXH cho người lao động nước ngoài: Không dễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO