Tiền bẩn đâm toạc lương tâm

Tinh Anh 25/05/2020 08:00

Những ngày qua, dư luận xã hội đang rất “nóng” với hai phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo từng là cán bộ công an, thầy cô giáo trong ngành giáo dục của 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Thay vì có thái độ ăn năn hối cải, phục thiện, nhiều bị cáo vẫn trâng tráo cho rằng hành vi đưa - nhận hối lộ để nâng điểm cho thí sinh là bình thường.

Tiền bẩn đâm toạc lương tâm

Quang cảnh phiên xét xử vụ án gian lận thi cử tại Hòa Bình.

Nhận 400 triệu đồng vì... cả nể

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Sơn La mở (từ ngày 21/5) để xét xử 12 bị cáo từng là cán bộ các ngành công an, giáo dục của tỉnh này, bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu cán bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) khai: Sau khi cựu Phó Phòng Chính trị tư tưởng (Công an tỉnh Sơn La) Cầm Thị Bun Sọn giúp nâng điểm cho con đạt điểm vào được trường công an, bị cáo không biết cảm ơn sao cho đủ nên đã đưa 400 triệu. Trả lời câu hỏi của Luật sư Bùi Việt Anh (người bào chữa cho cựu Phó Phòng Chính trị tư tưởng Cầm Thị Bun Sọn) về động cơ, mục đích tham gia sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh, bị cáo Sọn khai: Hầu hết các trường hợp được nâng điểm bị cáo không biết là con cái của ai, chỉ làm vì cả nể...

Lý giải về việc nhận của bị cáo Hoàng Thị Thành 400 triệu đồng để nâng điểm cho con bị cáo này, cựu Phó Phòng Chính trị tư tưởng khẳng định: Do bị cáo Thành gọi điện thoại, hứa hẹn nếu bằng mọi cách giúp con bị cáo vào được trường công an sẽ đưa 400 triệu đồng. Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn cũng không quên nhấn mạnh rằng, việc đưa 400 triệu đồng là do bị cáo Thành đề xuất rồi sau đó chủ động đưa, chứ bị cáo cũng không đòi hỏi. “Thành nói nếu giúp được thì nâng lên thành 15 hoặc 16 điểm vì con của Thành đã có 7 điểm cộng. Không phải vì 400 triệu đồng tôi mới giúp. Dù đưa 100 hay 200 triệu thì tôi vẫn giúp vì cả nể...” - bị cáo Sọn khai.

Đối chất tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Thành khai: Với mong muốn bằng mọi giá phải cho con vào được trường công an, bị cáo đã nhờ Cầm Thị Bun Sọn giúp nâng điểm để con trai đủ điểm đỗ. Do không biết bao nhiêu điểm thì có thể đỗ vào trường công an, bị cáo Thành không nêu cụ thể phải nâng bao nhiêu điểm, chỉ “trăm sự” nhờ bị cáo Sọn “áng chừng” nâng sao cho đủ số điểm để con trai vào bằng được trường công an. Cũng theo lời khai của bị cáo Thành, sau khi con được nâng điểm ở cả ba môn (toán, ngữ văn, lịch sử) đủ điểm đỗ đại học, bị cáo đã đưa 400 triệu đồng cảm ơn Cầm Thị Bun Sọn.

Thẳng lưng sẽ thành khuyết tật?

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Hòa Bình xét xử các bị cáo trong vụ án nâng điểm tại tỉnh này, cựu Trưởng Phòng Khảo thí (Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình) Diệp Thị Hồng Liên còn trâng tráo cho rằng, mọi người đều gù (tức tiêu cực), riêng mình thẳng lưng (trung thực) sẽ trở thành khuyết tật. Trả lời thẩm vấn của HĐXX, cựu Trưởng Phòng Khảo thí khai: Việc bị cáo đề nghị các giáo viên chấm thi phải nâng điểm cho thí sinh là do nể nang, chứ không hề có mục đích vụ lợi cho bản thân. Hơn nữa cũng chỉ là “gợi ý” chứ không phải là ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu của bị cáo. “Tôi không chỉ đạo nâng điểm với bất cứ trường hợp cụ thể nào. Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật...” – cựu Trưởng Phòng Khảo thí Diệp Thị Hồng Liên ngụy biện.

Khác với cựu “sếp” Diệp Thị Hồng Liên, bị cáo Bùi Thanh Trà (tổ trưởng chấm thi môn ngữ văn) lại biện bạch hành vi nâng điểm cho thí sinh rằng đó là do nhân văn, thương học sinh và muốn tạo cơ hội cho các em được vào học đại học. Thừa nhận có nhận từ Diệp Thị Hồng Liên danh sách thí sinh có mã phách, số túi, điểm cần nâng và chuyển lại cho các cán bộ chấm thi, song bị cáo Trà lại bao biện rằng buộc phải làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Liên vì người ngày là phụ trách chung.

“Chấm nới tay vì biết học sinh Hòa Bình học lực yếu, chứ không hề có động cơ vụ lợi. Xuất phát từ tình thương học trò, tôi chấm nới tay để các em có cơ hội vào đại học, mở ra cánh cửa nghề nghiệp của cuộc đời...” – bị cáo Trà lý bao biện.

Dù lời khai của các bị cáo từng là cán bộ ngành công an, giáo dục ở hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình có khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là sự ngụy biện để che giấu hành vi mờ mắt vì tiền dẫn đến phạm tội. Nhiều ý kiến cho rằng, các biện minh của các bị cáo chỉ là những lời ngụy biện. Chẳng qua đó là những con người đang làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo đức và liêm sỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền bẩn đâm toạc lương tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO