Phát huy vai trò của công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

N. Phượng 02/10/2017 16:20

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nêu rõ, MTTQ phải có chương trình phối hợp sát với các cơ quan trong khối nội chính với mục tiêu phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo.


Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.

Ngày 2/10, tại Bắc Giang, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Tình hình thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, đại biểu Quốc hội khóa XIV tham dự và chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, tại kỳ họp thứ 4, dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành làm việc 23 ngày, từ ngày 23/10 - 22/11 để xem xét, thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật và xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

“Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hữu quan trong việc sớm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, bảo đảm chất lượng, tiến độ và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung, nhất là phát huy nhiều hơn nữa tính đối thoại, tranh luận”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.

Về vấn đề khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nêu rõ, MTTQ phải có chương trình phối hợp sát với các cơ quan trong khối nội chính với mục tiêu phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo. “Đây là nội dung mà xã hội đang rất quan tâm”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Mặt trận cần có cách truyền tải tốt nhất để có thể đưa ra được những giải pháp đồng bộ, cùng hướng tới sự phát triển.

Theo ông Dương Văn Quang, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn 2014 - 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp nhận 20.881 lượt người đến đề nghị giải quyết 14.261 vụ việc, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua giải quyết đơn tố cáo đã thu về cho nhà nước hơn 2 tỷ đồng, hơn 700.000 m2 đất, trả lại cho công dân 115 triệu đồng, 752 m2 đất và xử lý 163 trường hợp vi phạm.

Các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại các phiên tiếp dân và đơn thư gửi đến các cấp, các ngành đã được tiếp nhận, phân loại, xử lý kịp thời. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc phẩm quyền được thụ lý giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến công dân theo đúng quy định.

Đại diện cử tri, một cán bộ Thanh tra huyện Tân Yên cho rằng, qua hơn 3 năm thực hiện Luật tiếp công dân nổi lên một số khó khăn.

Cử tri này nêu, Luật Tiếp công dân quy định thời gian tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cơ quan tổ chức. Cụ thể, tại khoản 5, Điều 12 của Luật, Chủ tịch UBND tỉnh phải đích thân trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng. Tại khoản 5, Điều 13 của Luật, Chủ tịch UBND huyện phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất hai ngày trong một tháng…

Theo cử tri, những quy định như trên đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Để đảm bảo công việc, cử tri kiến nghị, nên quy định Chủ tịch UBND được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND trực tiếp tiếp dân định kỳ, trừ trường hợp quá phức tạp, quá gay gắt mới cần Chủ tịch trực tiếp giải quyết.

Ở góc độ khác, đại diện cử tri, một cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Khiếu nại hiện hành chỉ quy định duy nhất trường hợp đình chỉ việc giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại rút đơn khiếu nại. Tuy nhiên, thực tế còn phát sinh các trường hợp khách quan cần tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết khiếu nại. Do đó, cần bổ sung thêm các quy định về việc tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại hoặc dừng giải quyết khiếu nại.

Để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân, tổ chức các quy định về trình tự, thủ tục thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật… cũng cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị tâm huyết, sâu sắc của cử tri, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, hiện nay đơn thư khiếu nại và các chỉ số giải quyết liên quan đến đơn thư, khiếu nại, tố cáo của Bắc Giang có xu hướng giảm hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, tình trạng khiếu kiện vượt cấp đông người vẫn còn. Việc này phải được đưa ra mổ xẻ, phân tích nguyên nhân của từng vụ việc để từ đó đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục theo quy định của luật hiện hành, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo