Phát huy vai trò của Mặt trận

Bình Minh 20/04/2018 08:00

Thời gian qua MTTQ các cấp tỉnh Lâm Đồng đã phát huy vai trò đặc biệt trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động tiếp xúc, động viên đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tham gia xây dựng đời sống văn hoá - xã hội, phát triển kinh tế…

Phát huy vai trò của Mặt trận

Bà con dân tộc thôn 2, xã Lộc Lâm (Bảo Lâm) hái chè. Ảnh: Bùi Trường.

Tại Lâm Đồng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 24% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ triển khai có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình 134, 135, các dự án trợ giá, trợ cước, hỗ trợ sản xuất về giống cây trồng, vật nuôi, vốn vay chính sách ưu đãi và vốn từ Đề án 30a của Chính phủ... tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lâm Đồng đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn 5,19%.

Ông Bon Yo Soon, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ chương trình giảm nghèo, hiện đời sống của đồng bào đã cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi lớn, rất nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Để chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,7%, UBND tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư tại các xã nghèo, vùng dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 2.160 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác Mặt trận của tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật như, kết quả các chương trình tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo; nâng cao cảnh giác, phòng chống âm mưu, thủ đoạn kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết; động viên bà con giữ gìn bản sắc văn hoá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…

Trong các điển hình trong công tác này phải kể đến MTTQ các huyện Lâm Hà và Lạc Dương đã phối hợp với chính quyền địa phương đối thoại, vận động người dân thôn Cổng Trời (xã Mê Linh, Lâm Hà) trở về nơi ở cũ, không di dân ngoài kế hoạch và phá rừng làm rẫy. MTTQ huyện Đam Rông gặp gỡ, vận động 17 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 4 xã Đạ Long quay trở lại tiểu khu 26, 27 (huyện Lạc Dương) chấp hành việc giải toả đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Hay như xã Gung Ré (huyện Di Linh) xây dựng các mô hình “Khu dân cư văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”…

Cùng với đó, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; vận động ủng hộ quỹ Vì người nghèo; sửa chữa và xây dựng mới nhà đại đoàn kết…Hiện, Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích hơn 49 nghìn ha, chiếm 16,4% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh; doanh thu bình quân mỗi ha đạt 150 triệu đồng.

Trong năm 2018, MTTQ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường các hoạt động tiếp xúc, động viên đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục tham gia xây dựng đời sống văn hoá - xã hội, phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”, vận động “Quỹ vì người nghèo” và hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết; tiếp tục vận động cứu trợ, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp cho nhân dân khắc phục thiên tai, sự cố…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO