Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Đề án Nhà nước pháp quyền

Vũ Mạnh 23/11/2021 15:09

Ngày 23/11, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội thảo.

Phải chỉ ra được những “điểm nghẽn” trong phát huy vai trò làm chủ của nhân dân
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030.

Nêu ý kiến GS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra là phải làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, nội dung, chức năng, phương thức hoạt động của Mặt trận trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Cùng với đó cần đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Quang cảnh Hội thảo.

Đưa ra các giải pháp, GS. Trần Ngọc Đường cho rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân.

“Cần tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý Nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.” GS. Trần Ngọc Đường đề xuất.

Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, về mặt lý luận, chuyên đề phải làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, trên cơ sở đó xác định nội dung của Mặt trận tham gia xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.

Ông Đỗ Duy Thường đề xuất cần tiếp tục ban hành các đạo luật với cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với các giai đoạn để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong tập hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn toàn tộc; đẩy mạnh các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước; đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội; tích cực tham gia xây dựng đảng, nhà nước trong sạch vững mạnh…

Đánh giá chuyên đề được chuẩn bị công phu, cơ bản phù hợp với Đề án của Ban chỉ đạo, PGS. TS Phạm Văn Linh- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên là phát huy dân chủ, đại diện cho nhân dân trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

“Phát huy dân chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, do vậy, phải làm sao để Mặt trận và các tổ chức thành viên phát huy được vai trò này một cách thực chất trong thực tiễn,”, ông Linh đặt vấn đề.

Nhấn mạnh tới công tác giám sát và phản biện xã hội, ông Linh kiến nghị phải có cơ chế đảm bảo để việc giám sát được thực hiện tốt ngay từ cơ sở; tránh việc thiếu giám sát trong các cơ quan nhà nước, nhất là về công tác chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ...

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, trong đánh giá thực trạng, chuyên đề phải chỉ ra những “điểm nghẽn” trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, từ đó đề ra giải pháp và phương hướng trong thời gian tới.

“Phải chỉ ra cho được những gì đang bất cập. Nếu không chỉ ra được thì không phát huy được vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN", ông Linh nói.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội thảo.

Hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ của mình MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể trong công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia góp ý, kiến nghị với Đảng, Nhà nước (thực hiện tập hợp, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân, giám sát, phản biện xã hội); tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như: quy định của pháp luật chưa đầy đủ, cụ thể; các nguồn lực thực hiện về cán bộ, công tác cán bộ, tài chính không bảo đảm; vai trò chủ động của Mặt trận, việc phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các ủy viên Ủy ban, các Hội đồng tư vấn, ban tư vấn còn hạn chế; chưa có cơ chế chặt chẽ, cụ thể trong công tác khen thưởng, xử lý kỷ luật, bảo vệ người dám đấu tranh với những hành vi không đúng nhất là trong phòng, chống tham nhũng nên chưa trở thành động lực cho Nhân dân... những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục sớm nhất.

Chính bởi vậy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, cùng với việc “giải mã” làm rõ hơn phần lý luận, chuyên đề phải chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030.

Trong đó quan tâm đến việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân; Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Tự quản của cộng đồng dân cư...; Nghị quyết chuyên đề của Đảng về Chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong tình hình hình mới để thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và vị trí, vai trò của từng chủ thể trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ".

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định nhằm bảo đảm nguồn lực để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; Quán triệt, hiện thực hóa, cụ thể hóa phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", "vai trò chủ thể, vị trí trung tâm" của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, đề xuất xem xét sửa đổi Hiến pháp 2013 nhất là các quy định về quyền con người, quyền công dân bằng các đạo luật…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo để bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo chuyên đề “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng lưu ý, Tổ biên tập tiếp tục quan tâm đến việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các vị nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nội dung để chuyên đề có tính hệ thống, cơ sở lý luận, thực tiễn cao, thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Đề án Nhà nước pháp quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO