Phát triển cộng đồng học tập trong đội ngũ giáo viên

Hương Thu 28/12/2021 14:00

Phát triển chuyên môn cho giáo viên (GV) tại chỗ, liên tục là yêu cầu đặt ra với ngành giáo dục hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, thầy và trò nhiều nơi vẫn đang dạy học trực tuyến.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ngày 27/12/2021, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ GDĐT đã tổ chức tọa đàm "Phát triển cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo, thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Khép lại mô - đun, mở ra cộng đồng học tập
Theo ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Chương trình ETEP, mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ cho đội ngũ GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt đã được Bộ GDĐT triển khai 3 năm qua thông qua Chương trình ETEP, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.

Điểm mới quan trọng và cũng là mục tiêu cuối cùng của mô hình bồi dưỡng này là xây dựng các cộng đồng học tập qua đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên sư phạm.

Đó là các cộng đồng học tập theo nhóm có chung mối quan tâm hoặc mục tiêu học tập, cùng tham gia để chia sẻ hoặc chuyển giao tri thức liên quan đến mối quan tâm đó.

Đó là cộng đồng học tập giữa GVCC với nhau; giữa các GV trong nhà trường phổ thông,cộng đồng học tập giữa GV theo môn học của các trường phổ thông với nhau; cộng đồnggiữa GV với GVSP tham gia bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý CSGD phổ thông và cuối cùng là cộng đồng giữa GVSP trong trường; giữa GVSP theo bộ môn giữa các trường ĐHSP.

Các thầy cô tham gia tọa đàm.
Từ đây, tạo ra những cộng đồng học tập giữa các giáo viên/cán bộ quản lý CSGDPT cốt cán với giảng viên sư phạm, cộng đồng học tập giữa các giáo viên cốt cán với nhau.
Cộng đồng học tập giữa cốt cán với đại trà, Cộng đồng học tập giữa các giảng viên sư phạm trong trường với nhau và giữa các giảng viên sư phạm cùng bộ môn của các trường
Cụ thể, trong 3 năm qua, gần 30.000 giáo viên và CBQLCSGDPT cốt cán thuộc 63 sở GDĐT do 7 trường ĐHSP chủ chốt và Học viện Quản lý giáo dục triển khai. Ở từng trường ĐHSP, khi triển khai bồi dưỡng, các GV cốt cán đã được phân bố theo các môn học, cấp học và theo cụm 2-3 sở GDĐTcùng nhau tham gia bồi dưỡng 6 mô đun với sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt.
Trong quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng họ đã hình thành nên có nhóm Zalo trao đổi, chia sẻ những nội dung chưa hiểu, chưa rõ liên quan đến các mô đun bồi dưỡng cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình giảng dạy, trong hỗ trợ đội ngũ đại trà...
Sự trao đổi này được duy trì ngay cả khi không diễn ra hoạt động bồi dưỡng trực tiếp. Đội ngũ cốt cán không chỉ được học hỏi, chia sẻ từ các giảng viên sư phạm chủ chốt mà còn nhận được những chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này đã có tác động thường xuyên, liên tục đến sự phát triển nghề nghiệp của đội ngũ cốt cán. Từ đó, lan tỏa tới đội ngũ giáo viên đại trà trong toàn địa phương.
Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, Ban Quản lý chương trình ETEP cho rằng để có được cộng đồng học tập hiệu quả cần lưu ý tổ chức triển khai bồi dưỡng các mô-đun trên hệ thống LMS theo hình thức tự học có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm.
Chính việc tự học có hỗ trợ, tương tác này tạo ra sự gắn kết, trao đổi, hình thành và phát triển các cộng đồng học tập giữa giảng viên sư phạm chủ chốt với giáo viên phổ thông/cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán; giữa đội ngũ cốt cán với nhau; đội ngũ cốt cán với đại trà và giữa các giáo viên đại trà với nhau.
Cùng với đó, từng thành viên đều phải có nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho bản thân; qua đó tác động tích cực, lan tỏa trong cộng đồng học tập. Điều vô cùng quan trọng là cơ chế quản lý, sự vào cuộc của các cấp quản lý, từ tổ chuyên môn, trường phổ thông đến phòng/sở GDĐT, kiên trì mục đích phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo tại cơ sở.
Chia sẻ tại hội thảo, cô Lê Thị Duyên (ĐH Đà Nẵng) cho biết có những ngày cô dành gần như toàn thời gian để giải đáp thắc mắc của giáo viên cốt cán qua điện thoại, email, nhóm zalo... Bất cứ thời gian nào, khi nhận được câu hỏi, chia sẻ của giáo viên cốt cán hay giáo viên phổ thông, cô đều cố gắng để trả lời nhanh nhất với bằng tất cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân.
Cô Yến Quyên (ĐH Sư phạm TP HCM), giảng viên sư phạm cốt cán, người đã đồng hành với các giáo viên cốt cán của 19 tỉnh thành Nam Bộ trong 3 năm qua, từ mô - đun 1 tới mô - đun 9 cho rằng kết thúc hoạt động bồi dưỡng thường xuyên này không phải là dấu chấm hết.
Từ đây, sẽ tiếp tục mở ra những cộng đồng học tập qua đó các thầy cô vẫn tiếp tục gắn kết, chia sẻ với nhau k các kinh nghiệm giảng dạy, các phương pháp mới từ đó mà phát triển năng lực nghề nghiệp cho chính bản thân mình và đội ngũ nhà giáo nói chung.
Thầy Đỗ Lê Nam, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái cũng cho rằng trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, giảng viên sư phạm chủ chốt thực hiện đúng vai trò là người đồng hành, không phải chỉ là giảng xong rồi thôi.
Từ mô-đun 3, 4 trở đi, thầy cô chủ động lập ra nhóm Zalo để giáo viên cốt cán cùng tham gia, trao đổi, gửi bài. "Tôi cũng vận dụng cách đồng hành thiết thực, hiệu quả, trách nhiệm đó khi ở vai trò là giáo viên cốt cán" - thầy Nam chia sẻ.

Kiến nghị từ giáo viên cốt cán

Nhóm nghiên cứu “Vai trò của giáo viên cốt cán” được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phát triển năng lực các trường đại học sư phạm đã chỉ ra những khó khăn của giáo viên cốt cán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên.

Cụ thể, một số giáo viên đại trà chưa hiểu rõ yêu cầu của đổi mới giáo dục nên chưa tích cực, tự giác tham gia bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp; Giáo viên đại trà hiện nay bận nhiều công việc nên chưa thể dành thời gian đầy đủ cho việc học tập; Bản thân giáo viên cốt cán bận rộn với công việc hiện tại ở trường, khối lượng công việc nhiều; Chế độ đãi ngộ cho giáo viên cốt cán chưa thoả đáng và đồng bộ giữa các địa phương; Khó khăn đặc trưng của thầy cô giáo cốt cán ở vùng khó khăn.

Từ đó, giáo viên cốt cán mong muốn nhận được sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống của các cấp lãnh đạo và nhà trường; nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường trong các hoạt động.

Giáo viên cốt cán cũng đề xuất bố trí giám sát hoạt động học tập của giáo viên đại trà chặt chẽ hơn và chú ý hỗ trợ hơn tới giáo viên cốt cán ở vùng khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển cộng đồng học tập trong đội ngũ giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO