Có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái nông nghiệp, miệt vườn, sông nước… Thế nhưng đến nay, du lịch Đồng bằng sông Cửu long vẫn chưa phát triển xứng tầm. Vì sao vậy?
Quá nhiều tiềm năng
Ngành Du lịch ĐBSCL được kỳ vọng là một trong những động lực phát triển kinh tế quan trọng trong những năm tới đây bởi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Điển hình là đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển thành trung tâm du lịch quan trọng của vùng. Các điểm khác cũng có bước phát triển ấn tượng như: cụm cù lao Long - Lân - Quy - Phụng (Bến Tre, Tiền Giang), Cần Thơ, Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang), Hà Tiên, Kiên Lương và huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang)…
Ngược dòng sông Hậu từ địa bàn TP Cần Thơ lên An Giang rất nhiều bãi bồi trên sông mà người dân ở đây hay gọi là là cồn hay cù lao. Đó là cồn ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cồn Tân Lộc, Cù lao Ông Hổ… với những vườn trái cây trĩu quả, xanh mướt, nhiều hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cùng với đời sống miệt vườn phong phú của người dân.
Ở TP Cần Thơ những năm gần đây các địa phương như huyện Phong Điền, quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, xuất hiện ngày càng nhiều các điểm du lịch cộng đồng khai thác từ nông nghiệp với những vườn cây xanh mát, trái cây tươi ngon. Du khách đến những điểm du lịch này được trải nghiệm thực tế về cách trồng, chăm sóc cây ăn trái, tham gia làm vườn, hái rau quả, tìm hiểu về nguồn gốc nhiều loài cá chỉ có ở vùng đất này như: Cá thác lác cườm, cá mê rỗ, cá trà sóc, cá tra bần…
Hay về Đồng Tháp, những ngày giáp Tết du khách sẽ được trải nghiệm làng hoa Sa Đéc với hàng ngàn loại hoa đang khoe sắc rực rỡ. Ngoài phát triển mạnh làng hoa, những năm gần đây Đồng Tháp đầu tư và khai thác nhiều loại hình du lịch gắn với hoa sen, nhiều cánh đồng sen hồng ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình... được du khách tìm đến trải nghiệm check in.
Một trong những mô hình du lịch cộng đồng thành công nhất là làng hoa Sa Đéc, hiện có 4 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, điểm du lịch - khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy Land - Hùng Thy, 4 homestay, điểm tham quan quy trình sản xuất bột và trải nghiệm ẩm thực bánh dân gian từ bột Sa Đéc, trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao và điểm dừng chân bán hàng đặc sản - hàng lưu niệm và sản phẩm OCOP...
… Vì sao chưa phát triển xứng tầm?
Tiềm năng là như vậy, nhưng thực tế, du lịch ở ĐBSCL phát triển vẫn chưa xứng tầm. Đặc biệt, 2 năm qua, “ngấm đòn” Covid-19, ngành này gần như “tê liệt”, các điểm du lịch đều vắng bóng du khách, các dịch vụ ăn theo cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nặng.
Thế nhưng, kể từ tháng 10/2021, khi cả nước áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, du lịch ĐBSCL bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Lúc này, các địa phương bắt đầu bắt tay vào tính toán, làm thế nào để thu hút du khách đến với ĐBSCL.
Cụ thể, TP Cần Thơ vừa tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến với chủ đề “Chung tay hồi phục ngành du lịch. Cần Thơ - Ðiểm đến an toàn, hấp dẫn”. Đây có thể nói là một cách làm mới, sáng tạo, cũng chính là một hướng đi mới cho không chỉ Cần Thơ mà cả vùng ĐBSCL với rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái nông nghiệp, miệt vườn, sông nước…
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách làm, trong khi để phát triển du lịch ĐBSCL một cách bền vững thì cần một chiến lược tổng thể, trong đó không thể thiếu sự liên kết giữa các địa phương. Thực tế hiện nay, việc liên kết chỉ dừng lại ký kết các chương trình hợp tác, chưa thực sự đẩy mạnh triển khai trong thực tiễn. Sự liên kết mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá, hợp tác xúc tiến du lịch, các sản phẩm du lịch còn dựa vào thiên nhiên, nguồn lực kinh phí dành cho du lịch của các địa phương còn hạn chế, chưa đầu tư dài hạn và đồng bộ, các tour còn kém hấp dẫn và chưa rõ tính đặc thù, chưa tạo ra điểm nhấn của từng địa phương…
Các chuyên gia cho rằng vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời xây dựng một cơ chế, chính sách chung đủ mạnh cho phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, mà du lịch nông nghiệp là một trong những điểm mạnh cần được đầu tư và phát huy.
Những năm gần đây, các mối liên kết trong phát triển du lịch cũng bắt đầu được nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL quan tâm. Nhiều mô hình hợp tác, liên kết du lịch chung đã được triển khai hiệu quả. Nổi bật là 2 khu vực liên kết trong vùng gồm khu vực: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang và khu vực liên kết giữa các tỉnh duyên hải phía Đông gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh.
Tuy nhiên, vẫn thiếu một chiến lược tổng thể liên kết để phát triển bền vững, đặc biệt là liên kết đặc thù của từng địa phương và của vùng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng kế hoạch liên kết tổng thể và cụ thể trong phát triển du lịch nông nghiệp vùng; xây dựng bộ thông tin chung về du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL…
Riêng ngành du lịch cần chủ động tăng cường xây dựng các tour tuyến, điểm du lịch nông nghiệp xuyên tỉnh mang tính chuyên nghiệp, đặc sắc hơn; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành hình thành, khai thác các tour, tuyến du lịch nông nghiệp xuyên tỉnh để tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn và cũng góp phần khai thác điểm khác biệt, chọn lọc, tránh trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương.
Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch – Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt Phan Đình Huê cho biết: Ngoài yếu tố thị trường, du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL cần chú ý hơn nữa đến cơ sở hạ tầng và văn hóa ẩm thực. Đừng vì làm du lịch nông nghiệp, muốn giới thiệu đến du khách nét dân dã, giản dị mà ít chú ý đến không gian nghỉ dưỡng. Phải tạo được sự hấp dẫn nhưng thoải mái, thân thiện cho du khách mới mong thu hút, giữ họ ở lâu hơn và quay trở lại.