Phát triển giá trị sản phẩm dược liệu

H.THU 30/12/2021 11:57

Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng, số lượng loại dược liệu phong phú với khoảng 850 loài cây thuốc. Đặc biệt, người dân trên địa bàn các huyện, thị xã Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát nổi tiếng có kinh nghiệm trong việc sử dụng các bài thuốc quý từ cây dược liệu và xây dựng nên những thương hiệu có giá trị.

Xây dựng sản phẩm du lịch nguồn gốc dược liệu

Theo khảo sát, các sản phẩm từ dược liệu không chỉ là sản phẩm du lịch khiến du khách chi tiêu mạnh tay nhất khi đến với Lào Cai mà còn góp phần đem lại những trải nghiệm ấn tượng trong lòng du khách về một mảnh đất giàu truyền thống và tri thức bản địa dân tộc.

Ước tính đến hết năm 2021, diện tích trồng các loại dược liệu chính của Lào Cai đạt trên 3.500 ha, trong đó có 140 ha với 11 loại cây đã được Bộ Y tế đánh giá đạt tiêu chuẩn GACP-WHO trong sản xuất dược liệu. Ngoài giá trị chăm sóc sức khỏe, các tour tham quan vườn dược liệu, các sản phẩm dược liệu chế biến sâu đã và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách. Sản phẩm du lịch từ cây thuốc đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào các dân tộc.

Những ngày đầu đông tháng 11/2021, bếp đun dược liệu nhà bà Nông Thị Minh (thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai) luôn đỏ lửa. Mỗi ngày hàng trăm kg dược liệu được bà phối trộn theo tỷ lệ nhất định tạo nên bài thuốc tắm quý giá với nhiều công dụng cho sức khỏe.

Bà Minh cho biết, thuốc tắm của người Dao được pha chế từ 25-30 vị thuốc nằm rải rác khắp các khe núi, không phải là người nào cũng biết. Đây là sự kết hợp của các loại thảo dược tốt cho tiêu hóa, lưu thông khí huyết và xương khớp. Một số được gia đình bà trồng thành vùng nguyên liệu ở quả đồi quanh nhà. Số còn lại do đặc thù phải sinh trưởng ở độ cao và khí hậu phù hợp nên gia đình phải đặt nguyên liệu tại vùng trồng ở Sa Pa, Bát Xát.

Tuy vậy không có một công thức chung cho bài thuốc này. Bản thân là thầy thuốc nên việc phối trộn nguyên liệu và quá trình đun nấu được bà Minh thực hiện theo tỷ lệ phù hợp với thể trạng, tình hình sức khỏe, cân nặng, lứa tuổi... cho từng khách tắm. Nhiều người sau khi tắm thấy hiệu quả rõ rệt về cải thiện tình trạng sức khỏe đã giới thiệu thêm khách. Tiếng lành đồn xa, trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, mỗi ngày cơ sở chỉ dám nhận tối đa 30 khách tắm. Tuy vậy, sản phẩm thuốc tắm vẫn mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình trong mùa dịch.

Tính đến hết quý III/2021, lượng tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ dược liệu của Hợp tác xã Thế Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có mức tăng trưởng ngoạn mục, ước tới trên 50% so với doanh thu cả năm 2021. Các loại cao lá, trà, tinh dầu, nước súc miệng... từ cây tía tô, đài bi, màng tang, sả của hợp tác xã luôn trong tình trạng cháy hàng, cung không đủ cầu.

Cây cát cánh Lào Cai.

Nỗ lực nâng tầm giá trị

Tuy vậy, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và sản phẩm dược liệu phục vụ ngành du lịch nói riêng chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Mới đây, tại Hội thảo “Đề xuất Chiến lược phát triển dược liệu bền vững gắn với phát triển du lịch tỉnh Lào Cai” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai phối hợp với Ban Quản lý dự án Great tổ chức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tô Mạnh Tiến khẳng định, việc phát triển dược liệu gắn với du lịch sẽ mở ra cơ hội mới nâng tầm giá trị sản phẩm dược liệu của Lào Cai.

Để thực hiện chủ trương đó, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai xác định nhiệm vụ, trong giai đoạn 2021 - 2025, vùng sản xuất cây dược liệu chủ lực Lào Cai tập trung tại các huyện trọng điểm là Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát với diện tích ổn định 4.000 ha; trong đó trồng mới 1.000 ha cây dược liệu chủ lực hàng năm để đạt 1.500 ha vào năm 2025. Đồng thời, chuyển đổi khoảng 1.500 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới cây dược liệu hàng năm.

Lào Cai sẽ thông qua việc phát triển các vùng sản xuất, chế biến dược liệu sẽ thúc đẩy hình thành và phát triển các điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Đồng thời, kết nối, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các vùng sản xuất dược liệu hàng hóa tập trung, liền vùng, liền khoảnh như Y Tý (Bát Xát), Tả Van Chư (Bắc Hà), Tả Phìn (Sa Pa)… và đưa các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu phục vụ nhu cầu cho du khách tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Lào Cai tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược chế biến sâu theo hướng lựa chọn, thu hút từ 2 - 3 nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa…nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như trà túi lọc, cao bánh, cao lỏng, viên nén… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Ngoài ra, chế biến thành các sản phẩm làm quà cho du khách tại các điểm du lịch như sản phẩm thuốc tắm, gối thảo dược, các sản phẩm chức năng…Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu cây dược liệu được hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến.

Lào Cai chủ trương phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường; gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với cơ sở chế biến.

Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng phương án sản xuất giống tập trung tại các vùng sinh thái phù hợp với yêu cầu sản xuất hạt giống, cây con giống tại các địa phương. Địa phương phấn đấu 100% vùng trồng cây dược liệu hàng năm được tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt hàng theo hợp đồng liên kết gắn với phát triển thương hiệu và quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển giá trị sản phẩm dược liệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO