Phim - những chiêu trò PR

Thạch Thế Vinh 24/07/2016 09:30

Gây sốc, lộ clip hậu trường, nhấn mạnh sự kịch tính, éo le, lộ “ảnh nóng”, hé lộ phần nào những lắt léo trong nội dung phim, “đánh lận” giữa phim và đời thực diễn viên, thậm chí tung tin phim có thể bị cấm chiếu... Đó là một số chiêu trò mà nhiều bộ phim Việt hiện nay trước khi trình làng áp dụng để xới tung trí tò mò, nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Là nghề “đi trước đón đầu”, PR phim quả đã là một lĩnh vực mà nhiều khi sự thành công của nó lại... vượt xa tác phẩm điện ảnh.

Trấn Thành không ngớt tạo “bão” với Hari Won để PR cho phim “Bệnh viện ma”.

Làm dư luận dậy sóng

Với những người làm trong nghề thì chẳng ai lạ gì khái niệm PR phim. Ở những nước có ngành công nghiệp phát triển, nhất là “kinh đô điện ảnh thế giới” Hollywood, kinh phí để tuyên truyền, quảng bá cho phim có khi bằng cả kinh phí để sản xuất nên bộ phim ấy. Ở Việt Nam, theo tiết lộ từ một chuyên gia, nhà sản xuất chỉ phải bỏ từ 10-20% tổng kinh phí sản xuất phim. Như vậy không phải là nhiều.

Nói thế để thấy rằng, bất cứ phim nào, ở đâu thì yếu tố truyền thông, làm cho phim “dậy sóng”, “nổi váng”, bật lên “màu mỡ riêu cua” cũng là quan trọng và nên làm.

Không khó để nhận ra những chiêu trò ấy. Mới nhất là vụ “lùm xùm” xung quanh “Mặt nạ máu” sau khi phim này ra rạp. Tina Tình, người đảm nhiệm cả vai chính lẫn biên kịch trong phim đã khiến dư luận “ngã ngửa” khi “tố” nhà sản xuất không tôn trọng kịch bản, cắt đến 90% vai diễn của cô khi trình chiếu. Chưa kể cô còn mâu thuẫn với nữ diễn viên khác trong phim.

Lời qua tiếng lại phủ tràn các trang mạng, các tin nhắn sặc mùi hình sự “từ số máy lạ” cũng được công khai. Thậm chí họ còn dọa kiện nhau ra trước pháp luật. Thế rồi, sau khi cán mốc doanh thu 10 tỉ sau 3 ngày công chiếu, “dọa xong xuôi tất cả lại về”, ai trở về việc nấy. Tina Tình lập tức tung MV mới “Đời khó đoán”.

Sau “bão” không hài lòng với vai diễn của mình trong “Mặt nạ máu”, Tina Tình ra mắt MV “Đời khó đoán”.

Nhiều người tin rằng đó cũng là một chiêu trò PR. Quả thật, mọi sự kiện đều có tính thời điểm và khéo dựng thì sẽ hoàn thành tốt vai trò của mình. Trong thời buổi bận rộn hiện nay, để tìm cách len vào tâm trí khán giả, thì những chiêu lạ, trò độc của nghề PR phim lại càng “có đất dụng võ”, trở thành những cuộc đua không có hồi kết của dân làm nghề.

Chiêu mà dân làm PR phim hiện hay sử dụng nhất là “lập lờ đánh lận con đen”, xóa nhòa ranh giới giữa phim ảnh và đời thực của diễn viên, khiến khán giả không biết đâu mà lần. Khối chàng trai thất vọng, ôm trái tim đau khổ rỉ máu khi biết “công chúa Na Na” của “5S online” xinh đẹp Chi Pu ngày nào Nam tiến và xây dựng tình yêu đồng tính ngọt ngào với nữ ca sĩ Gil Lê.

Những hình ảnh họ đi du lịch cùng nhau, nắm tay nhau, mua đồ ăn cho nhau tình tứ, rồi trăm ngàn lời “thanh minh là tự thú” tràn ngập các trang tin nào ngờ chỉ là để “dọn đường” cho bộ phim “Yêu” mà cả hai đóng vai đồng tính chuẩn bị ra rạp. Hết phim, tình tự dưng chả thấy ai nhắc đến nữa.

Tương tự, thiên hạ ủng hộ hoặc ném đá rào rào với mối tình của Hari Won với Trấn Thành cho đến bây giờ, sau thời điểm phim “Bệnh viện ma” ra mắt hơn 3 tháng, người ta vẫn không thể phân biệt nổi đó là tình thật hay tình ảo. Còn với phim “Bao giờ có yêu nhau”, dù Quý Bình khẳng định: “Có một tình yêu rất lớn dành cho Minh Hằng”.

Nam diễn viên cũng có màn cầu hôn bằng hoa sen vô cùng lãng mạn với Minh Hằng ngay tại buổi ra mắt phim, song, câu trả lời của nữ chính ra sao, đám cưới diễn ra vào lúc nào thì… trời mới biết!

Hay chuyện “cặp kè” của Kim Lý với Trương Ngọc Ánh “làm nền” cho phim “Hương Ga”, Hồng Quế “tố” Trường Giang “bắt cá hai tay” hay những thông tin về đại gia chi tiền tỉ cho Ngọc Trinh làm phim để “thanh minh với thiên hạ” cũng chính là những chiêu trò PR nhằm hút mắt người đọc để họ bị “kích thích” đến mức phải kéo ra rạp xem phim, nhìn người nổi tiếng.

PR khéo cũng chẳng “kéo” nổi phim

Thực tế cho thấy, nghề PR phim của Việt Nam đã phát triển nhanh hơn chính ngành sản xuất phim. Ở góc độ truyền thông, quảng bá, PR đã dọn đường một cách xuất sắc, không từ một “thủ đoạn” nào, dù là PR xuôi hay PR ngược, dù là tạo dư luận tích cực hay tiêu cực, dù trên báo chí chính thống hay tung tin đồn “qua phây” (facebook) thì đều đã đánh trúng sự tò mò của khán giả. Phần còn lại “để phim tính”.

Nhưng đạo diễn tính chẳng bằng… PR tính. PR tính lại chẳng bằng khán giả tính. Dù những thông tin về phim trực diện về những diễn biến, tình tiết xảy ra trong phim hay chỉ là “trữ tình ngoại đề” thì dường như hầu hết “vượt xa trí tưởng tượng” mà phim mang lại. Mối tình đình đám Hari Won - Trấn Thành không cứu nổi một “Bệnh viện ma” hời hợt.

“Mặt nạ máu” không thực sự “khốc liệt” như cuộc chiến giữa các “đương sự” trên mặt báo. Diễn xuất Minh Hằng - Quý Bình tuyệt đấy nhưng logic phim lại không được “chặt chẽ” như mối tình mà họ “công khai” trước truyền thông…

Quý Bình “diễn” màn cầu hôn Minh Hằng khi ra mắt phim “Bao giờ có yêu nhau”.

Tất nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng phim Việt vẫn chỉ là phim Việt! PR rầm rộ đến đâu thì cũng không thể “một tấc lên trời”. Nhưng cái khó ở chỗ, không làm PR cho phim thì mấy ai biết mà xem (như trường hợp phim “Fan cuồng” vừa ra rạp là ví dụ). Nhưng PR nhiều khi lại gây ra những tác dụng ngược, khiến phim khoác những cái áo quá rộng và càng để lại sự thất vọng trong lòng khán giả. Vậy, vấn đề là ở chỗ PR như thế nào, giới hạn ra làm sao để chỉ là chất xúc tác đưa phim đến với công chúng và sẽ ở lại lâu trong lòng người xem?

Diễn viên, nhà sản xuất Mai Thu Huyền từng tâm sự: “Đối với tôi, chất lượng bộ phim vẫn là quan trọng nhất. Kế hoạch PR tốt sẽ kéo khán giả đến rạp xem phim, nhưng xem phim xong mà chất lượng dở khán giả sẽ tự truyền miệng với nhau, nhất là khi mạng xã hội phát triển như hiện nay.

Việc “treo đầu dê bán thịt chó” sẽ làm phản tác dụng, gây mất cảm tình của khán giả đối với bộ phim”. Ông Đình Hải Anh - sản xuất phim “Thần tiên cũng nổi điên” khẳng định: “Ông bà ta hay nói có bột mới gột nên hồ, do đó theo tôi, quan trọng nhất là nội dung kịch bản. Câu chuyện phim và ý tưởng truyền tải sâu sắc là một trong những cốt lõi, là chất liệu tốt nhất để PR cho phim Việt hiện nay”.

Như vậy, chất lượng phim vẫn là hàng đầu. PR quan trọng và liên quan đến doanh thu của phim nhưng “PR khéo cũng không “kéo” nổi phim dở”.

Vẫn biết, những phim bom tấn nhiều kì vọng trong mùa hè năm nay của nước ngoài cũng còn thiếu sót, ngay cả “vua phòng vé” như Steven Spielberg cũng “ngã ngựa” với “The BFG” nói gì đến phim Việt. Dù sao, vẫn mong phim ta đừng “có ít sít ra nhiều”, thổi phồng phim lên để rồi khán giả càng xem nhiều càng thất vọng lắm.

Những ngày qua, “Fan cuồng” ra rạp khá lặng lẽ. Đây là “sự kiện” hiếm thấy nếu như không muốn nói là duy nhất trong số khoảng 30 phim Việt ra mắt từ đầu năm tới giờ. Dường như êkip sản xuất đã “quá tự tin” bởi sự đảm bảo của “bộ ba phòng vé” là Charlie Nguyễn-Johny Trí Nguyễn- Thái Hòa. Nhất là “vua phòng vé” Thái Hòa từng hút khách tới rạp bởi “Tèo Em”, “Để mai tính”…
Ngay sau khi ra mắt tại TP HCM, cả êkip đã “đứng ngồi không yên” bởi lượng khách đến rạp không được như dự kiến. Sài Gòn mùa mưa, cứ đến chiều là mưa mù mịt, khán giả vội vàng trở về nhà hoặc chôn chân trong quán nhậu chứ chẳng đến xem phim. Lòng dạ những người sản xuất phim cũng rối bời. Quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” mà Charlie Nguyễn đinh ninh giờ đã không còn đúng nữa. Thái Hòa cũng phải “đăng đàn” xin lỗi khán giả sau 3 ngày phim ra mắt vì êkip đã không thông tin một cách đầy đủ về phim với khán giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim - những chiêu trò PR

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO