Phòng bệnh ngày giá rét

Minh Thủy 21/12/2020 07:12

Những ngày qua tại miền Bắc nhiệt độ giảm sâu, nhất là về đêm và sáng sớm trời rét đậm khiến người cao tuổi, bệnh nhân huyết áp cao dễ sinh biến chứng tim mạch, đột quỵ. Và cũng xuất hiện nhiều bệnh nhân với các bệnh hô hấp. Tại Bệnh viện Hữu Nghị, số lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng 15-20% so với ngày bình thường, chủ yếu là bị bệnh viêm đường hô hấp, như viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

Mùa đông trẻ em dễ bị bệnh đường hô hấp

Người bị đột quỵ tăng mạnh

Thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, trời lạnh, số người đến khám bệnh tại đây giảm nhưng số bệnh nhân đột quỵ lại tăng lên 20%. PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc bệnh viện cho biết, trời lạnh gây co mạch. Co mạch sẽ gây tăng huyết áp, gây nguy cơ tăng đột quỵ.

Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tại BV Thanh Nhàn cũng tăng trên 15%. Đặc biệt, tại BV Bạch Mai, nơi có trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất cả nước thì số bệnh nhân cấp cứu tăng khoảng 30%, khiến số bệnh nhân đột quỵ hơn 1 tháng qua đã chạm ngưỡng 1.000 ca. Riêng ngày 17/12 (ngày đầu của đợt rét), BV tiếp nhận gần 50 trường hợp đột quỵ. Đáng chú ý là có tới 10% bệnh nhân dưới 44 tuổi, điều đó cho thấy đột quỵ không chỉ rơi vào những người cao tuổi.

Nói như PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ BV Bạch Mai thì bệnh nhân đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân dưới 18 tuổi đã bị bệnh này liên quan đến các nguy cơ tăng huyết áp, hút thuốc, béo phì. PGS Tôn cũng cho biết, ở BV Bạch Mai có tới 30% bệnh nhân cấp cứu liên quan đến đột quỵ.

Cũng không chỉ đột quỵ, mà những bệnh thường gặp trong mùa rét cũng đã tăng lên ngay trong đợt rét sâu đầu tiên này. Tập trung ở đối tượng người già và trẻ em. Trời rét đã làm gia tăng trẻ em nhập viện do cúm A. Thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Nhi trung ương), tính từ tháng 10 đến đầu tháng 12, Trung tâm đã tiếp nhận 820 trẻ nhập viện vì bị cúm nặng. Đa phần trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh và chưa được tiêm vaccine phòng cúm.

Còn tại BV Lão khoa trung ương, kể từ đầu mùa lạnh, có ngày BV tiếp nhận 300 bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú, trong đó có khoảng 100 người điều trị tại Khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực. Thông tin tại đây cho biết, trong số đó có 30% bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp, 35% bệnh liên quan đến tim mạch, 25% xương khớp và những bệnh khác. Đáng lo ngại là số người nhập viện do đột quỵ vào mùa đông chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Nhiều trẻ em khu vực miền núi phía Bắc mắc bệnh đường hô hấp

Các tỉnh miền núi phía Bắc trong đợt rét sâu này thì số bệnh nhân cũng tăng, nhất là bệnh về đường hô hấp đối với trẻ em. Tại BV Sản-Nhi tỉnh Lào Cai, cao điểm có ngày tiếp nhận và điều trị gần 200 trường hợp.

Thống kê của BV này cho thấy có đến 80% bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp và viêm phổi. BV đã phải cho kê thêm giường để phục vụ bệnh nhân. Đáng chú ý, các bệnh đường hô hấp lại là những bệnh nguy cơ lây nhiễm cao, vì thế phòng chống lây nhiễm chéo ngay tại BV cũng không phải là việc dễ dàng.

Tại Khoa Nhi (BV đa khoa tỉnh Điện Biên), kể từ đầu mùa đông, do số bệnh nhân nhập viện tăng cao, dã buộc phải ghép giường. Trên thực tế, Khoa chỉ có 76 giường bệnh nhưng thường vẫn có từ 120 - 140 bệnh nhân điều trị nội trú. Những ngày trời rét sâu, số bệnh nhân tăng đột biến, với khoảng 20 - 40 trường hợp nhập viện mỗi ngày, dẫn đến tình trạng quá tải.

Tương tự, tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… những ngày qua số bệnh nhi nhập viện do các bệnh đường hô hấp cũng gia tăng.

Cảnh giác khi mùa đông kéo dài, lạnh sâu

Theo GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông (Hội Đột quỵ Việt Nam) thì đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là hiện tượng mất đột ngột lưu lượng máu lên não do tắc mạch máu não hoặc do chảy máu não. Tế bào não không được tưới máu nên bị tổn thương dẫn đến hoại tử, mất chức năng dẫn đến liệt, hôn mê, rối loạn cảm giác, tử vong. Đặc biệt trong mùa đông thì bệnh nhân đột quỵ tăng lên, do mạch máu co lại, lòng mạch hẹp lại cung lượng máu giảm, tim tăng co bóp, dẫn đến tăng huyết áp, xơ vữa tăng thêm. Với người già, thành mạch cứng không có khả năng co giãn nên trong mùa đông càng phải cảnh giác với đột quỵ.

GS Thông đặc biệt lưu ý là không nhầm lẫn giữa đột quỵ với cảm lạnh. Sự nhầm lẫn này sẽ dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc. Với người già, để phòng đột quỵ, cực kỳ quan trọng là ổn định huyết áp vì huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não.

Về các bệnh đường hô hấp, nhất là với trẻ em, cách tốt nhất là phải giữ ấm cho trẻ, không chỉ phần thân mà đầu và chân tay cũng phải giữ ấm. Trẻ em không tự bảo vệ được bản thân mình, nên người lớn cần phải đặc biệt lưu ý. Trong nhiều trường hợp con bị viêm phổi là do bố mẹ không để ý, vì vẫn thấy trước đó trẻ nô đùa. Nhưng, cái lạnh đã ngấm sâu vào cơ thể, rất nguy hiểm.

Phân biệt giữa cảm lạnh và đột quỵ

- Cảm lạnh (còn gọi là trúng gió): Có thể gặp ở bất cứ ai, khi trong người thấy ớn lạnh, vã mồ hôi, thường gặp do thời tiết thay đổi đột ngột nóng quá, lạnh quá, hoặc là nằm ở nơi gió lùa. Khi bị cảm lạnh chỉ cần sơ cứu tại chỗ cho uống trà gừng, người mắc sẽ khỏi mà không để lại di chứng.

- Đột quỵ: Người bình thường bỗng nhiên nói ngọng, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức mới nói được, thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác đi lại khó khăn hoặc cảm thấy nhức đầu dữ dội… Trong trường hợp này cần đưa đi viện ngay vì chậm trễ có thể dẫn đến tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng bệnh ngày giá rét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO