Phòng chống bệnh khảm lá sắn

Lê Xuân 12/08/2019 08:00

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn năm 2019, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong phòng chống bệnh khảm lá sắn.

Phòng chống bệnh khảm lá sắn

Kiểm tra bệnh khảm lá sắn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 7/2019, toàn tỉnh có hơn 450 diện tích cây sắn mắc bệnh khảm. Nguyên nhân diện tích cây sắn mắc bệnh khảm tăng nhanh trong thời gian qua là do môi giới truyền bệnh bọ phấn trắng lây lan, bên cạnh đó nông dân sử dụng giống HL-S11 bị nhiễm bệnh nặng.

Tại hội nghị, nhiều nông dân, tổ hợp tác nông nghiệp cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc chủ động phòng chống hai loại dịch bệnh gây hại cho cây trồng này.

Ông Đinh Văn Bình, nông dân trồng sắn tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai thắc mắc, cây sắn có nhiều loại giống để trồng, tuy nhiên có 2 loại được trồng phổ biến nhất là HL-S11 (loại sắn dễ bị nhiễm bệnh nhưng có độ bột cao) và loại sắn KM94 (loại này khó nhiễm bệnh nhưng độ bột ít). Như vậy, trong hai giống này thì người dân nên chọn loại nào để canh tác cho phù hợp.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Văn Thiệt- Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Bộ đã có khuyến cáo người dân không nên sử dụng loại sắn giống HL-S11 vì giống sắn này rất dễ mắc bệnh, trồng lên sẽ bị nhiễm bệnh liền gây thiệt hại lớn cho năng suất cây trồng. Còn giống KM94 được Bộ khuyến cáo nên dùng vì đây là giống sắn chịu bệnh, mặc dù độ bột thấp nhưng khi mắc bệnh chỉ cần quản lý tốt những tác nhân gây bệnh (bọ phấn trắng) thì mức độ nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn, năng suất không bị giảm nhiều. Thực tế cho thấy, hiện nay ở những diện tích sắn đã mắc bệnh khảm, sau này người dân lựa chọn sử dụng loại giống sắn chịu bệnh nên mức độ cây trồng bị nhiễm bệnh giảm hẳn.

Ông Nguyễn Thanh Liễu, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai kiến nghị các ngành chức năng sớm tìm ra các loại giống kháng bệnh khảm lá sắn, công bố cho người dân được biết các loại thuốc phòng ngừa và điều trị dịch bệnh.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện tại đối với loại bệnh này, mới chỉ tìm ra được giống chịu bệnh chứ chưa tìm ra giống kháng bệnh. Do đó, người dân nên chấp hành theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng, đối với những giống đã có mầm bệnh buộc phải nhổ bỏ để tránh lây lan; chỉ sử dụng những giống không bị nhiễm bệnh hoặc mua giống ở những cơ sở sản xuất giống uy tín.

Tại hội nghị, nhiều thắc mắc trong việc phòng chống bệnh khảm lá sắn cũng được người nông dân đưa ra như: cách nhận biết cây trồng bị dịch bệnh, hướng xử lý khi phát hiện dịch bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để diệt trừ tác nhân gây bệnh… cũng đã được các ngành chức năng giải đáp.

Ông Huỳnh Thành Vinh kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ sản xuất các loại giống kháng bệnh và có giải pháp nghiên cứu điều trị triệt để loại dịch bệnh này để có cơ sở chỉ đạo sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chi cục bảo vệ thực vật tại địa phương tích cực điều tra, giám sát sớm phát hiện bệnh và có hướng giải quyết kịp thời. Trường hợp phát hiện bệnh phải theo sát, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp khắc phục, phòng trừ dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng chống bệnh khảm lá sắn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO