Phòng, chống trầm cảm

Nghĩa Toàn 07/04/2017 08:49

Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4) năm 2017 chủ đề “Phòng, chống trầm cảm” được chọn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gánh nặng trầm cảm, xóa bỏ kỳ thị đối với rối loạn tâm thần nói chung, trầm cảm nói riêng và cách thức đơn giản, hiệu quả để dự phòng và giúp vượt qua trầm cảm, hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho mọi người.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4,0% dân số.

Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.

Có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi.

Người bị trầm cảm điển hình có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, kèm theo không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, thời giankéo dài từ hai tuần trở lên.

Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày.

Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Nghiên cứu cho thấy người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác (nguy cơ tự tử trong đời người trầm cảm là 4%). Trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm.

Trên thế giới mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Còn ở Việt Nam ước tính mỗi năm có gần 5000 người tử vong do tự tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống trầm cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO