Phòng ngừa đột quỵ vào mùa Đông

Đức Trân 24/12/2021 14:00

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là một bệnh lý có nguy cơ tử vong rất cao. Trong thời điểm giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh chính là lúc khiến người bệnh dễ mắc đột quỵ. Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ thường gia tăng ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol…

Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Số liệu tổng hợp từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc cũng cho biết, trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng từ 1,7-2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi.

Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguy cơ đột quỵ có mối liên hệ mật thiết với nhiệt độ thời tiết. Cụ thể, nguy cơ đột quỵ tăng lên 30% vào mùa lạnh so với các thời điểm khác. Tương tự, một số thống kê từ các bệnh viện ở nước ta cũng cho thấy, mùa lạnh số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng từ 15-30%, đặc biệt là số ca bệnh tăng hơn vào những ngày thời tiết rét đậm.

Lý giải nguyên nhân, PGS. TS Phạm Quốc Khánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Do tác động của thời tiết, vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến nuôi não giảm so với bình thường. Bên cạnh đó, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch nên dễ vỡ mạch máu não.

Trời lạnh cũng là nguyên nhân khiến máu tăng độ nhớt dễ tạo cục máu đông. Kèm với đó là tình trạng giảm vận động của mọi người khi gặp thời tiết lạnh nên dễ tăng cân, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhất là với người già, sau khi ngủ dậy ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não (đột quỵ não).

Ngoài nhóm người cao tuổi, những đối tượng mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường… và có tiền sử lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học... cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao rất dễ bị đột quỵ.

Yếu tố bệnh lý kèm với tác động của sự biến đổi đột ngột của thời tiết khiến tình trạng đột quỵ thường có chiều hướng gia tăng mạnh trong mùa Đông so với những thời điểm khác trong năm.

Để phòng bệnh đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người dân, đặc biệt là người già nên chú ý việc giữ ấm cơ thể, nhất là chú ý việc giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân, tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi đi ra ngoài; Ngủ trong phòng kín gió; Không tắm sau 22h vì thời điểm thường xảy ra cơn đột quỵ là lúc nửa đêm hoặc rạng sáng; Nên tránh ra ngoài trời vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa; Khi ngủ dậy cần vận động nhẹ nhàng 3-5 phút tại chỗ để cơ thể thích nghi và ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm; Không nên dậy vào lúc 4-5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng, dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ; Với bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp phải kiểm soát và ổn định huyết áp vì đây chính là nguyên nhân gây vỡ mạch máu não; Chú ý đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần 1 ngày, đo khi nghỉ ngơi; Cố gắng duy trì việc tập luyện, vận động thể lực đều đặn, phù hợp với thể trạng của mỗi người…

Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính khác cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên; Về chế độ dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh, giảm muối (ăn nhạt), giảm chất béo có nguồn gốc từ động vật; Không lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới nguy cơ đột quỵ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng ngừa đột quỵ vào mùa Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO