Phong trào thi đua yêu nước 2020: Hướng đến năm văn hóa đô thị

Thành Luân 07/03/2020 14:26

Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch của đô thị lớn nhất nước, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đã nhấn mạnh vai trò của các phong trào thi đua yêu nước của thành phố trong việc xốc lại tinh thần, đội ngũ, đoàn kết, tập trung thi đua để hoàn thành các mục tiêu của năm 2020 - Năm về văn hóa đô thị.

Phong trào thi đua yêu nước 2020: Hướng đến năm văn hóa đô thị

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 7/3, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2019; phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo chính quyền thành phố đã đến dự.

Nỗ lực của hệ thống chính trị

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2019, Ngô Thị Hoàng Các, Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP HCM cho biết, sau một năm nỗ lực thực hiện phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, toàn thành phố đã có 3/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè; 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí mới. Qua cả hai giai đoạn thực hiện phong trào này, bà Các cũng đánh giá phong trào đã huy động được cả hệ thống chính trị, người dân tại 5 huyện và 56 xã xây dựng nông thôn mới, với nguồn kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.

Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, thành phố đã tổ chức có hiệu quả hơn 200 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm các sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại, diễn đàn/hội thảo về kết nối doanh nghiệp,…

Bên cạnh đó là hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố tổ chức hiệu quả qua hai hình thức: Đối thoại qua trang thông tin điện tử (tiếp nhận hơn 1.500 câu hỏi của doanh nghiệp) và Hội nghị đối thoại trực tiếp (13 cuộc).

Thông qua đối thoại, ngoài bổ sung nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư kinh doanh, thành phố còn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế một cửa điện tử, một cửa liên thông theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu,…

Phong trào thi đua yêu nước 2020: Hướng đến năm văn hóa đô thị - 1

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đại diện Trung ương trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 8 tập thể. (Ảnh: Hồng Phúc).

Cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp cũng hiến kế 665 mô hình, giải pháp, sau đó được đăng ký và thực hiện hoàn tất theo tiến độ đạt hiệu quả, hiệu lực cụ thể trong công tác quản lý. Hiện nay, có 251 sáng kiến, giải pháp đang được áp dụng tại Sở, ban ngành, quận/huyện và các cấp cơ sở.

Trong số các sáng kiến, mô hình tiêu biểu, có mô hình về đăng ký thủ tục hành chính không giấy của UBND Q.1. Theo bà Nguyễn thị Thu Hường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Q.1, đến nay, hầu hết các lĩnh vực hành chính công của quận đã được điện tử hóa, một cửa điện tử và 1 cửa liên thông, với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Hiện Q.1 đã cho hoạt động trung tâm điều hành đô thị thông minh, với nhiều chức năng giám sát, điều hành an ninh công cộng; giám sát bảo mật, hệ thống dịch vụ viễn thông, internet tại các điểm du lịch; cảnh báo cháy nổ.

Biến chuyển mạnh mẽ của cải cách hành chính thúc đẩy sự đổi mới trong công tác Mặt trận. Trong đó, cả hai Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh” và “Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đều đạt được hiệu quả đáng ghi nhận, với trên 1,3 triệu hộ dân ký bản cam kết không xã rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định.

Ở nhiều nơi, người dân sáng kiến mô hình chụp hình, thư điện tử, đường dây nóng để gửi thông tin nhanh, kịp thời đến các cơ quan chính quyền thực hiện xử lý. Tại hội nghị, bà Bùi Thị Thu An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P. Long Trường (Q.9) chia sẻ về mô hình “Biến mảng tường cũ thành tác phẩm nghệ thuật bảo vệ môi trường” tại khu dân cư. Đây là mô hình trực quan sinh động, hạn chế quảng cáo tùy tiện, mất mỹ quan đô thị, kết quả sau một năm phát động đã có nhiều điểm đen về ô nhiễm và rác thải trên địa bàn P. Long Trường đã được xóa dứt điểm.

Sự lan tỏa trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn giúp Ban công tác mặt trận các khu phố vận động được nguồn kinh phí hơn 50% trong thực hiện các phong trào, từ đó tiếp tục tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về ý thức phân loại rác, không xả rác ra đường và kênh rạch.

Năm 2020: Dạy và học an toàn

Là một trong những đơn vị được báo cáo điển hình tại Hội nghị, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT, Công an TP HCM bày tỏ lo lắng khi một bộ phận giới trẻ hiện còn thờ ơ, vô cảm với những nạn nhân của tai nạn giao thông, thậm chí không ít người có tư tưởng vi phạm giao thông là chuyện bình thường. Vì vậy, Phòng CSGT TP có đề xuất tham mưu cho Công an TP phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá lại ý thức tham gia giao thông của người dân. Việc khảo sát sẽ đánh giá đúng thực trạng các hành vi, độ tuổi nào, đối tượng nào thường xuyên vi phạm luật giao thông, qua đó tham mưu chính xác để HĐND TP xây dựng đề án nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

“Đừng xem tai nạn giao thông như là xem dự báo thời tiết, mà chúng ta nắm bắt, hiểu luật để còn phải hành động nữa, chung tay vì cộng đồng”, Thượng tá Huỳnh Trung Phong chia sẻ.

Phong trào thi đua yêu nước 2020: Hướng đến năm văn hóa đô thị - 2

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tặng Cờ thi đua của thành phố cho 9 tập thể. (Ảnh: Hồng Phúc).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ sự quan tâm, lo lắng, cũng như áp lực rất lớn của hệ thống chính trị thành phố trước các diễn biến, tác động ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Bí thư Thành ủy TP bày tỏ cảm ơn ảm ơn đội ngũ y, bác sĩ thành phố đã cùng chung sức trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19 thời gian qua.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, giai đoạn tiếp theo sẽ càng thách thức hơn, và lúc này là lúc càng phải phát huy vai trò thi đua. Ông Nhân đề nghị từ nay đến 30.4.2020, thành phố phải làm sao để học sinh đi học lại được mà an toàn. Nếu trong tuần sau khối lớp 12 đi học trở lại cũng phải làm sao để thầy cô và các em đi học an toàn, dạy học an toàn.

Sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng, như du lịch và nguồn hàng xuất khẩu sang các nước cần phải được quan tâm. Thành phố cần có phong trào hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt dịch vụ.

“Dịch bệnh khiến khách hàng bên ngoài giảm đi, thành phố do đó phải khuyến khích thương mại, dịch vụ để phục vụ cho người dân trong nước, thúc đẩy du lịch trong nước. Đồng thời, suy nghĩ phát triển hàng thay thế nhập khẩu. Nếu nhập khẩu nhiều tập trung vào một hai nước phụ thuộc khi có tác động sẽ bị động”, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đồng thời đề nghị: “Làm sao từ đây tháng 10, mỗi một ngành có một cuộc gặp để đối thoại về phát triển ngành đó, chúng tôi sẽ xin đăng ký tham dự lắng nghe”.

Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đại diện Trung ương trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 8 tập thể; Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tặng Cờ thi đua của thành phố cho 9 tập thể; UBND TP tặng Bằng khen cho 100 tập thể đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong trào thi đua yêu nước 2020: Hướng đến năm văn hóa đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO