Phóng viên đối ngoại qua góc nhìn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao

Hoàng Mai (thực hiện) 21/06/2019 15:00

Những người làm báo đang chuẩn bị kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Dịp này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chia sẻ với Đại Đoàn kết ý kiến của chị về báo chí với công tác thông tin đối ngoại.

Phóng viên đối ngoại qua góc nhìn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao

Phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều.

PV: Thưa chị, gần như suốt những năm tháng làm việc tại Bộ Ngoại giao cho đến thời điểm này, chị gắn bó mật thiết với công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí và những người làm báo. Chị đánh giá thế nào về công việc của những người làm công tác báo chí đối ngoại, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay?

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Tôi may mắn có tới hơn 20 năm gắn bó với công tác báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng. Với tôi, các nhà báo đặc biệt là các nhà báo chuyên viết về đối ngoại giống như người nhà của Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) và cá nhân tôi.

Ngày nay thông tin ngày càng nhiều, ngày càng đa dạng; nhất là các thông tin đối ngoại, thông tin quốc tế. Điều đó đòi hỏi các nhà báo viết ở mảng thông tin đối ngoại càng phải có nhiều hơn kỹ năng tác nghiệp và xử lý thông tin.

Tôi chỉ đơn cử, với những sự kiện chính trị đối ngoại do ta chủ trì, kế hoạch do ta xây dựng, chúng ta có thể chủ động và sẽ biết cần thông tin, tuyên truyền những nội dung gì vào thời điểm nào, thông điệp, điểm nhấn ra sao.

Nhưng đối với những sự kiện quốc tế ta không chủ trì thì phóng viên đối ngoại phải đối mặt rất nhiều thách thức, không có thông tin về nội dung, về chương trình, về thành phần tham gia... Lúc đó đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức rất sâu rộng về vấn đề, về sự kiện mà họ cần tuyên truyền, phải vận dụng nhiều “chiêu” để khai thác thông tin, nắm tình hình. Tôi lấy ví dụ, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 2/2019. Chúng ta không phải là quốc gia chủ trì sự kiện mà chỉ là nơi được chọn và hỗ trợ tổ chức sự kiện. Nội dung, chương trình, địa điểm cụ thể do hai bên Mỹ và Triều Tiên quyết định và giữ bí mật đến phút chót. Là nước chủ nhà, các cơ quan phối hợp của ta cũng phải tuân thủ quy tắc bảo mật của họ. Vì thế, các phóng viên hầu như rất khó tiếp cận thông tin, không được cung cấp nội dung, kết quả đàm phán. Muốn đưa tin, muốn có bài viết về sự kiện đòi hỏi các phóng viên phải chủ động tìm hiểu, “săn tin”và phải tự trang bị kiến thức sâu rộng về các vấn đề liên quan như lịch sử vấn đề Triều Tiên, quan hệ song phương Mỹ- Triều Tiên và hai nhà lãnh đạo hai nước… Trong trường hợp này,chúng tôi ở Bộ Ngoại giao cũng chỉ có thể hỗ trợ thông tin cơ bản, tư vấn cho cho phóng viên về những vấn đề trọng tâm nên tuyên truyền.

Cám ơn chị đã có những chia sẻ chân tình với khó khăn trong công việc của những người làm báo đối ngoại. Trong cái khó khăn của “bão” thông tin như hiện nay, theo chị phóng viên viết mảng đối ngoại cần những kỹ năng gì để ứng phó tốt hơn nữa với sự bộn bề của thông tin?

- Rõ ràng là chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi liên tục, đặc biệt môi trường thông tin thay đổi hết sức nhanh chóng; nhu cầu và thị hiếu của độc giả cũng phong phú, đa dạng do đó phương tiện tác nghiệp, phương thức truyền thông của nhà báo đã thay đổi đáng kể. Báo điện tử trở thành phương tiện thông tin quan trọng nhất, bên cạnh báo in truyền thống; thêm vào đó là mạng xã hội với sự xuất hiện của các fanpage và những phương tiện khác đã góp phần hỗ trợ tối đa công tác thông tin tuyên truyền của báo chí.

Trong bối cảnh này, người phóng viên phải đáp ứng được tất cả các tiêu chí thông tin nhanh- đúng -trúng - hay và phải cạnh tranh không để mạng xã hội “lấn sân”. Điều đó có nghĩa, mỗi phóng viên phải tự nâng mình lên, phải thay đổi cách tác nghiệp, phải làm thế nào đưa tin chính xác, “đẩy” được bài của mình lên báo trong thời gian ngắn nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin và thu hút sự quan tâm của công chúng.

Chính những đòi hỏi từ thực tiễn ấy đã khiến người phóng viên phải không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là các kỹ năng mềm, làm việc độc lập. Người phóng viên phải thao tác được nhiều việc cùng lúc: Ghi nhanh, chụp ảnh, thậm chí phải biết quay cả video để đề phòng trường hợp chỉ mình mình được vào tác nghiệp trong một sự kiện lớn. Cho nên, tôi muốn nhấn mạnh lại, kỹ năng làm việc của phóng viên ngày nay khác xa ngày xưa; thậm chí, có những khi không thể trông chờ sự trợ giúp từ tòa soạn. Về phía các tòa soạn, cá nhân tôi cho rằng, ở một số trường hợp cũng cần mềm dẻo hơn trong phương thức quản lý, lãnh đạo. Khi cần thiết, tòa soạn cũng có thể cho phóng viên được độc lập tác chiến, đương nhiên là người phóng viên ấy phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải tuân thủ sự chỉ đạo, định hướng tuyên truyền.

Với những sự kiện đối ngoại lớn được tổ chức ở Việt Nam thời gian vừa qua, tôi cho rằng, đó là dịp để phóng viên Việt Nam cọ xát, cạnh tranh trong một môi trường rất sôi động có sự xuất hiện của nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới, với nhiều phóng viên gạo cội, trang thiết bị và phương tiện tác nghiệp cực kỳ hiện đại. Bởi, có những sự kiện do chúng ta tổ chức, báo chí chủ nhà sẽ có chút ưu tiên về số lượng phóng viên, về thông tin, về vị trí tác nghiệp; nhưng có những sự kiện Việt Nam cũng chỉ là một bên tham gia như WEF ASEAN hoặc như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều thì việc chúng ta phải tuân thủ “luật chơi” hoặc format do bên chủ trì chính đặt ra là điều không tránh khỏi. Phải nói rằng, trong những hoàn cảnh ấy, theo quan sát của tôi, các cơ quan báo chí và phóng viên Việt Nam đã thể hiện khả năng, kỹ năng, nghiệp vụ và bản lĩnh không thua kém báo giới quốc tế.

Phóng viên đối ngoại qua góc nhìn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - 1

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Tôi trở lại với ví dụ về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều, ngay từ khi biết có sự kiện quan trọng này diễn ra ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã chủ động cử phóng viên đi khảo sát các địa điểm, những nơi có thể diễn ra sự kiện như ga tàu hỏa, khách sạn, định hình góc máy, chuẩn bị tư liệu phông nền, thậm chí cả phỏng vấn để khi sự kiện diễn ra là có thể lên tin bài ngay. Báo chí ta được đánh giá thông tin nhanh, có những bức ảnh, những cảnh quay đẹp; nội dung thông tin rất đa dạng, bình luận rất sâu sắc, đồng thời phát huy tinh thần báo chí “chủ nhà” tuyên truyền quảng bá cho đất nước về thành tựu phát triển, chính sách đối ngoại, văn hóa, du lịch, ẩm thực... Tôi đã chứng kiến việc các phóng viên của ta phản ứng rất nhanh khi nhận thông tin họp báo của Triều Tiên lúc nửa đêm. Trời mưa gió, họp bất ngờ, không có phiên dịch, không gian tác nghiệp chật chội... nhưng các phóng viên của chúng ta đã lên tin, bài, ảnh chỉ ít phút sau khi kết thúc họp báo,nhanh hơn cả báo chí nước ngoài.

Còn đối với phóng viên tác nghiệp ở nước ngoài thì điều kiện còn khắc nghiệt hơn.Một mặt phải tuân thủ luật chơi của nước bạn hoặc của ban tổ chức, mặt khác phải tập trung ưu tiên vào những nội dung ta quan tâm, vào sự tham gia của đoàn Việt Nam. Sự kiện diễn ra lúc 10h sáng nhưng phải tập trung từ 5h sáng. Chen chân trong cả một rừng phóng viên tầm vóc, thể lực, thời gian tác nghiệp chỉ 1-2 phút, làm sao lấy được những khuôn hình “chuẩn chỉnh”, nhất là khi có lãnh đạo cấp cao của ta tham gia.

Dường như chị đã có những đánh giá rất cao về phong cách, về kỹ năng của các phóng viên Việt Nam nói chung và phóng viên đối ngoại nói riêng?

- Chúng ta đều nhận thức rõ đang tác nghiệp trong một nền báo chí cách mạng chứ không đơn giản là một cơ quan truyền thông. Do đó báo chí phải bám sát các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước nói chung và công tác đối ngoại nói riêng; phải làm tốt công tác tuyên truyền để phục vụ cho chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Cũng cần lưu ý là trong môi trường truyền thông như hiện nay thì gần như không có ranh giới giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại. Nếu người cầm bút xử lý không khéo một thông tin đối nội có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại. Tôi chỉ lấy ví nhỏ về câu chuyện “cà phê pin”. Nếu chúng ta thông tin không khéo có thể ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu cà phê mà chúng ta tự hào đứng đầu thế giới, có nghĩa là ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế đối ngoại. Vì thế, điều quan trọng là đưa tin thế nào để không bị lợi dụng, khai thác theo chiều hướng tiêu cực. Tôi vẫn thường chia sẻ với đồng nghiệp và anh chị em phóng viên: “Báo chí có vai trò cảnh báo các hiện tượng xã hội đóng góp cho sự phát triển xã hội; nhưng cũng phải tính xem cảnh báo đến đâu là vừa, lường trước tác động như thế nào đối với tình hình đối nội, đối ngoại.”

Còn thì, đánh giá cao năng lực của các phóng viên Việt Nam không phải là quá lời, mà đó là những đánh giá thực lòng của tôi cũng như các đồng nghiệp ở Vụ Thông tin báo chí.

Trân trọng cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phóng viên đối ngoại qua góc nhìn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO