Phụ cấp ngành Y

Minh Thủy 15/08/2022 11:01

Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Đáng chú ý là đề xuất mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã/phường/thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành và Bệnh viện tuyến huyện.

Cũng cần nhắc lại, theo Nghị định 56 (trước đó), cán bộ y tế dự phòng được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề là 40%; các cán bộ, viên chức trạm y tế xã/phường được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 30 - 40%; các cán bộ chuyên môn y tế làm công tác khám, chữa bệnh, xét nghiệm tại các bệnh viện đa khoa huyện hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo theo nghề từ 40% - 70% tùy theo từng loại công việc đảm nhận.

Như vậy, lần này, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ ở y tế công lập được đề xuất theo hướng tăng lên.

Trước đó, ngày 26/5/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức hội nghị về chế độ, chính sách cho cán bộ y tế. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã nêu rõ những bất cập đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế, về lương khởi điểm, thang bậc lương, thu nhập thực tế từ lương, phụ cấp ưu đãi, chế độ thâm niên... Cũng tại thời điểm đó, Công đoàn ngành Y tế đã đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%.

Có thể nói, thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế hệ thống công lập ngày càng lộ rõ bất cập, đặc biệt hơn 2 năm qua khi họ phải là “chiến sĩ trên tuyến đầu dập dịch”, luôn đối mặt với hiểm nguy. Cũng trong vòng 2 năm qua, có tới gần 10.000 y, bác sĩ chuyển việc, nghỉ việc, thôi việc. Đó là tình trạng chưa bao giờ xảy ra. Họ ra đi với nhiều lý do, nhưng rõ nhất là do áp lực công việc nặng nề nhưng thu nhập lại thấp.

TP Hồ Chí Minh là nơi có nhiều y, bác sĩ thôi việc nhất. Thông tin từ Văn phòng Sở Y tế TPHCM, trong số gần 10.000 y, bác sĩ cả nước thôi việc thì riêng TPHCM trong năm 2021 đã có tới 1.154 người. Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, 6 tháng đầu năm 2022, có 306 nhân viên y tế nghỉ việc; tuy giảm không nhiều so với năm 2021 nhưng tiếp tục gây khó khăn cho các cơ sở y tế công lập. Đáng chú ý, hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm; trong khi người mới được tuyển dụng cần có thời gian để thực hành, tập sự.

Để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở công lập, Sở Y tế TPHCM đã phải áp dụng nhiều biện pháp mang tính “động viên”, như “Lãnh đạo ngành y tế lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế”; mở kênh “Tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế”...

Ngành Y là một trong những ngành cao quý nhất, thầy thuốc là người được xã hội tôn trọng, biết ơn. Để có được một bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng phải qua một quá trình đào tạo công phu, lâu dài. Vì thế khi họ chuyển việc, thôi việc sẽ là tổn thất cho xã hội. Cuộc sống đi lên, nhu cầu vật chất, tiện nghi sinh hoạt cũng lớn lên theo. Kể cả việc chăm lo cho con cái ăn học cũng ngày thêm tốn kém. Trong khi đó, thu nhập của cán bộ, nhân viên ngành Y lại thấp, khó lòng lo được cuộc sống. Vì vậy họ buộc phải đứng trước một sự lựa chọn hết sức khó khăn: Tiếp tục trụ lại với nghề hay là “dứt áo ra đi”? Và rồi, chỉ trong vòng 2 năm, gần 10.000 người đã không trụ nổi. Vậy, chúng ta có thể trách họ hay không?

Trở lại với việc Bộ Y tế lấy ý kiến về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (theo hướng tăng lên), điều đó là đúng nhưng xét cho cùng thì cũng đã muộn màng. Những bất cập thu nhập của y, bác sĩ nhất là ở tuyến xã/huyện; nhân viên y tế dự phòng đã tồn tại quá lâu không phải là không nhìn ra nhưng chế độ cho họ quá chậm thay đổi. Chưa cần phải ưu đãi, mà chỉ cần trả đúng với những đóng góp thực tế của họ cũng đã là quá tốt.

Vì thế, cùng với phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, thì cũng rất cần sửa đổi bậc lương khởi điểm cho y, bác sĩ; cùng đó là thực hiện chế độ thâm niên như một số ngành nghề khác để sau những năm tháng cống hiến, khi về hưu họ cũng đỡ phần khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ cấp ngành Y

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO