Phục hồi thị trường lao động: Nhiều thách thức

L.Hương - M.Sang 19/01/2022 11:56

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 khoảng 1,3 triệu người, so với khoảng 1,2 triệu người của năm 2021. Đến năm 2023, số lượng thất nghiệp sẽ giảm về mức tương tự năm 2021 nhưng vẫn cao hơn thời điểm năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người).

Năm 2022 dự báo còn nhiều khó khăn để khôi phục thị trường lao động.

1,3 triệu lao động thất nghiệp?

ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý IV năm 2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó, theo dự báo tại thời điểm tháng 5/2021, ước tính mức thâm hụt chỉ tương đương với số giờ làm việc của 26 triệu việc làm toàn thời gian.

Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội thế giới - Xu hướng năm 2022 của ILO (Xu hướng WESO), tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

Báo cáo của ILO cũng lưu ý rằng tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Tại Việt Nam, số lao động thất nghiệp trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,3 triệu người, tăng hơn so với năm 2021 (khoảng 1,2 triệu) và tương đương với mức thất nghiệp của năm 2020. Theo ILO, số lao động thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2023 về mức tương đương năm 2021. Mức này vẫn cao hơn so với mức tiền khủng hoảng (1,1 triệu người năm 2019).

Các chuyên gia ILO cho rằng, việc hạ dự báo năm 2022, ở một mức độ nào đó, phản ánh tác động mà các biến thể Covid-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thế giới việc làm cũng như mức độ không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.

Triển khai kịp thời các gói hỗ trợ

“Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta những năm qua” - Tổng cục Thống kê đánh giá.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, thị trường lao động vẫn đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo. Do đó, cần triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch.

Xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đồng thời, cần nghiên cứu các chính sách tài khóa phù hợp để kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó, kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, về phía doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp.

“Các doanh nghiệp không thể tự mình phục hồi thị trường lao động và sản xuất. Do đó, cần phải có các quỹ hỗ trợ dự phòng để doanh nghiệp hỗ trợ, thu hút lao động hồi hương quay trở lại.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý về lao động trên thị trường lao động để hỗ trợ doanh nghiệp có thông tin về danh tính người lao động trong quá trình tuyển dụng, hỗ trợ trong quá trình quản lý người lao động chứ không để doanh nghiệp tự làm việc này.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất cần số hóa thị trường lao động, đây là giải pháp then chốt, cần đẩy nhanh gấp 5-10 lần so với lộ trình đặt ra”, TS Ngô Quỳnh Anh - Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất.

“Không thể có sự phục hồi thực sự từ đại dịch này nếu thị trường lao động không được phục hồi trên diện rộng. Để công cuộc phục hồi mang tính bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc của việc làm thỏa đáng - bao gồm sức khỏe và an toàn, công bằng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội” - Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi thị trường lao động: Nhiều thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO