Quản lý cạnh tranh phải độc lập

Thanh Giang 22/09/2017 09:10

Ngày 21/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tại đây, rất nhiều ý kiến kiến nghị thành lập ủy ban cạnh tranh độc lập, không tham gia vào hoạt động kinh doanh.


Cần phải nâng cao sự lành mạnh trong cạnh tranh.

Không lành mạnh trong cạnh tranh

Ông Nguyễn Tri Thắng – Giám đốc Trung tâm Pháp lý của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nhận định: “12 năm Luật Cạnh tranh được áp dụng nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập”. Theo ông Thắng, Luật Cạnh tranh đã điều chỉnh song trên thực tế vẫn còn nhiều hành vi phản cạnh tranh, vẫn còn thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, còn tập trung kinh tế và cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan giải quyết cạnh tranh đã thụ lý, giải quyết nhiều vụ việc, tuy nhiên những tranh chấp thường xuyên xảy ra như: Rèm pha đối thủ, lôi kéo nhân viên, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa… Vấn đề đặt ra, cơ quan nào sẽ thay mặt nhà nước để giải quyết rốt ráo tình trạng trên?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mô hình cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh như hiện nay chưa phù hợp, chưa hiệu quả. Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt thì xung đột lợi ích càng lớn. Xung đột lợi ích càng lớn, vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh càng phải độc lập. Độc lập với các bên để bảo vệ cạnh tranh công bằng. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng phải ở một vị thế lớn hơn.

Hiện nay có hai mô hình về cơ quan giải quyết cạnh tranh. Thứ nhất, thành lập một ủy ban, các bộ sẽ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, không làm đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nữa. Mô hình này có thể đặt ở bộ và có vẻ phù hợp, bởi nó giải quyết được xung đột lợi ích do chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thứ hai, nên xây dựng mô hình một cơ quan trực thuộc Chính phủ, trong đó do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm trong suốt nhiệm kỳ, không bổ nhiệm lại, các thành viên khác cũng do Chính phủ bổ nhiệm.

“Mô hình gồm hai cơ quan thực thi cạnh tranh hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương và Hội đồng Cạnh tranh có mâu thuẫn và xung đột về lợi ích, yếu về thẩm quyền. Tồn tại này làm kéo dài quá trình giải quyết các vụ việc về cạnh tranh”, đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Phú Quốc nêu quan điểm.

Ông Quốc cũng cho rằng, việc dự thảo Luật đề xuất thành lập Cơ quan cạnh tranh quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương trên cơ sở hợp nhất các cơ quan cạnh tranh hiện nay là Hội đồng cạnh tranh và cơ quan quản lý cạnh tranh, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của hai cơ quan nhằm tinh gọn bộ máy, rút ngắn các thủ tục hành chính giữa hai cơ quan từ đó có thể rút ngắn quá trình tố tụng cho phù hợp.

Cần có cơ quan độc lập

Nhiều ý kiến thảo luận được đưa ra, trong đó có đặt ra vấn đề: Không thể vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng đại diện chỉ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Theo các đại biểu, việc Cơ quan cạnh tranh quốc gia – cơ quan có quyền xem xét, giải quyết vụ việc cạnh tranh lại thuộc Bộ công thương có thể dẫn đến xung đột lợi ích nếu trường hợp doanh nghiệp có phần vốn góp do Bộ Công thương đại diện chủ sở hữu là một bên tham gia tố tụng cạnh tranh.

Do đó đề nghị, xem xét vị trí của cơ quan cạnh tranh quốc gia phải do một tổ chức độc lập với Bộ Công thương cũng như các đơn vị đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại doanh nghiệp thành lập. Có thể do Quốc hội hoặc Chính phủ thành lập, trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ. Tuy nhiên quy định này có thể phù hợp khi Bộ Công thương không thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, Luật Cạnh tranh đã quy định cấm những hành vi cơ quan nhà nước không được làm, tuy nhiên trên thực tế có trường hợp cơ quan nhà nước vi phạm những quy định này. Trong dự thảo Luật Cạnh tranh lần này có đề cập đến việc cấm một số hành vi, cấm cơ quan nhà nước, cán bộ công chức vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng rất đáng tiếc là chưa có chế tài. Đã là hành vi bị cấm thì phải có chế tài, hoặc là Luật cạnh tranh, hoặc là những vấn đề xử lý vi phạm trong Luật Cạnh tranh hay những vấn đề hình sự nếu quy định về các điều cấm phải có chế tài.

Song song việc thành lập cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập, đại biểu các ngành trên địa bàn thành phố còn đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về tính khả thi của quy định này trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật nào. Cần thiết bổ sung số liệu về các hành vi của tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý cạnh tranh phải độc lập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO