Quản lý chồng chéo làm phát sinh giấy phép

H.Vũ 07/11/2016 23:10

Thảo luận tại hội trường ngày 7/11 về Luật Quản lý ngoại thương, nhiều ĐB cho rằng Luật “ôm đồm”, chồng chéo có thể dẫn đến hạn chế quyền tự do kinh doanh. Nói như ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì Luật cần cụ thể hơn, nhất là minh bạch trong cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.

Cần rà soát, bổ sung cụ thể hơn, nhất là minh bạch trong cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường Luật Quản lý ngoại thương. Nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn khi luật quy định quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định. Luật “ôm đồm” quá nhiều vấn đề vô hình trung khiến “nhiều tròng quản lý mới” là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Cùng ngày với đa số phiếu ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Trao quá nhiều quyền có thể dẫn đến lạm quyền

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, Luật quá đề cao vai trò quản lý nhà nước, và điều này đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ tức là chuyển từ Chính phủ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Cho rằng “việc ban hành luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, ông Xuyền đưa quan điểm: Việc cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thực chất là hạn chế quyền tự do kinh doanh và việc hạn chế này cần theo quy định phải được quy định bằng luật. Trong khi đó luật này lại giao cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ trưởng Công thương, và Bộ trưởng các bộ là không phù hợp. “Do đó cần quy định ngay trong luật kèm theo danh mục như luật đầu tư kinh doanh và phải công khai minh bạch danh mục”- ông Xuyền bày tỏ.

Thẳng thắn chỉ ra nhiều quy định vẫn giao cho Bộ Công thương và Chính phủ quy định, ĐB Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) đặt vấn đề: Việc cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khi nào áp dụng? Khi nào kết thúc? Như vậy hàng hóa theo tiêu chí nào? Nên chăng tiêu chí nên theo Bộ chuyên ngành chứ không nên theo Bộ Công thương quyết định. Đặc biệt, chưa làm rõ tiêu chí mặt hàng nào giấy phép? Tổ chức nào cấp phép? Số lượng cấp phép? Để minh bạch thì các mặt hàng đã được cấp phép trong đầu tư kinh doanh thì không cần quy định trong luật này.

Cùng chung quan điểm, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nói: “Luật còn nhiều điều giao cho Chính phủ quy định cho nên cần rà soát, bổ sung cụ thể hơn, nhất là minh bạch trong cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện phải ổn định để tránh gây tổn thất cho doanh nghiệp.”

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhìn nhận, Luật “ôm đồm” quá nhiều vấn đề vô hình trung khiến “nhiều tròng quản lý mới” làm hạn chế quyền tự do kinh doanh. Nhiều quy định đã được các bộ khác quản lý sao nay Bộ Công thương lại quản lý nữa? Như vậy là quản chồng lên quản, làm phát sinh thêm giấy phép mới. Kiểm tra chuyên ngành với hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 70% thời gian thông quan, 1/3 lượng hàng hóa mà lại 12 bộ có quyền kiểm tra chuyên ngành trong khi mỗi bộ có 1 danh mục và kiểm tra đây chính là bất cập lớn. Nhưng luật lại chung chung trao ưu tiên cho pháp luật chuyên ngành là chưa ổn.

Theo ông Lộc, dự thảo “đẻ” ra nhiều loại giấy phép mới, không kèm bất cứ quy định nào về điều kiện để căn cứ cấp giấy phép, mà chỉ quy định duy nhất thẩm quyền là không minh bạch. Mục tiêu của Luật này là hệ thống hóa quản lý chứ không phải gia tăng thêm tầng nấc quản lý.

“Trao quá nhiều quyền cho Bộ Công thương nhưng không kèm theo tiêu chí nào có thể dẫn đến lạm quyền, tạo thêm nhiều giấy phép và giao cho Bộ Công thương thì cũng không minh bạch. Phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân”- ông Lộc nói.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết xin tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện Dự luật, và làm rõ sự phân biệt, nguyên tắc hạn chế, cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo hướng minh bạch, công khai. “Các nguyên tắc này sẽ công khai, tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước”- ông Anh hứa.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Ảnh: An Đăng.

Quy định rõ trường hợp được nổ súng

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là trong trường hợp nào được nổ súng. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) băn khoăn về việc sử dụng súng không đúng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo ông Cầu, quy định như vậy thì nhiều sỹ quan không bản lĩnh thì không dám sử dụng nói chi là cán bộ bình thường. “Vì trong đấu tranh giữa tội phạm và không phải tội phạm không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì nhiều người rất hiền nhưng khi bị kích động, kích thích thì rất hung dữ tấn công lại người thi hành công vụ do đó cần cho phép nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng”- ông Cầu bày tỏ.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quan điểm trên vì “tránh lạm dụng nhưng cũng yên tâm trong sử dụng vũ khí của người thi hành công vụ”. Chính vì lẽ đó, ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đề nghị, luật cần quy định rõ trường hợp được nổ súng.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng, Luật mới quy định việc lạm dụng sử dụng vũ khí; hay các trường hợp xâm phạm đến uy hiếp cá nhân, an ninh quốc gia; nổ súng tấn công công trình an ninh quốc gia. Nhưng trên thực tế còn có việc sử dụng súng không gây nguy hại nhưng lại gây “tiếng vang”, gây mất trật tự xã hội. Cho nên cần quy định cấm, lạm dụng sử dụng vũ khí xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe của người khác.

Dẫn chứng thực tế thời gian qua có việc chống người thi hành công vụ gây thương vong cho cán bộ chiến sĩ do thời gian qua chúng ta chưa quy định rõ ràng về việc nổ súng - ông Tám đề nghị- khi đối tượng đe dọa đến sức khỏe, tính mạng thì cần quy định cho nổ súng ngay chứ không cần cảnh báo vì lúc đó đã trực tiếp liên quan đến sức khỏe tính mạng người thi hành công vụ. Như thế người thi hành công vụ sẽ được an toàn trong đấu tranh trấn áp tội phạm.

Theo ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) Luật mới quy định quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ không quy định về pháo nổ, pháo hoa. Do đó cần phải quy định vì pháo nổ pháo hoa cũng như vật liệu nổ, bởi trong thời gian qua có nhiều vụ mất an toàn trong sử dụng pháo nổ, pháo hoa.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Quy định nổ súng là quy định đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa các quy định về nổ súng đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng và tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo phù hợp với các Bộ luật khác có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý chồng chéo làm phát sinh giấy phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO