Quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường

Dạ Yến Ảnh: Hoàng Anh 06/11/2016 10:35

Ngày 6/11, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ thành phố Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và việc xây dựng đô thị thông minh, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo. Dự báo để thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Thành ủy thành phố Hải Phòng.

Dự hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thành uỷ thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông- VNPT, cùng đại điện các sở ban ngành của thành phố Hải Phòng và một số đơn vị kinh tế lớn.

Từ năm 2015, MTTQ Việt Nam với vai trò giám sát, phản biện của mình, đã phối hợp với các bộ, ngành và các chuyên gia của một số quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam” nhằm làm rõ những nhu cầu, khả năng của Việt Nam khi triển khai đô thị thông minh vì đô thị thông minh là xu hướng quản lý các đô thị trên thế giới nhằm giải quyết hiệu quả nhất những vấn đề trong phát triển đô thị nhằm có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp và phát huy vai trò làm chủ của người dân.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sau hơn một năm kể từ khi UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế này, hiện đã có 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng, bước đầu bắt tay xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, coi phương thức phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong giai đoạn 10 năm tới.

Thực tế, phát triển đô thị hiện nay cho thấy, sự phát triển của đô thị ở Việt Nam đa số mới dừng lại ở việc cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin như mạng internet, cáp, truyền hình ở mức đơn giản.

Hải Phòng cũng không ngoại lệ, theo Bí thư Thành uỷ Lê Văn Thành, hiện nay, để phát triển đô thị thông minh, Hải Phòng còn rất nhiều vấn đề chưa đạt được yêu cầu.

Ngay như so với đô thị loại một trung tâm cấp quốc gia còn chưa đạt như tỉ lệ cây xanh, giao thông và nhất là quy hoạch đô thị còn rất nhiều bất cập.

Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị thông minh là việc phải làm. Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Hải Phòng phải trở thành thành phố thông minh”.

Trên thực tế, trước đó, Hải Phòng đã có Quyết định 1566 phê duyệt về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020; Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin, ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố thông minh.

Với tinh thần này, Hải Phòng vừa công bố đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 xây dựng Cát Hải thành “Đảo thông minh”.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo Bí thư thành uỷ Lê Văn Thành, thành phố đã có định hướng từ nay đến 2020-2025 tập trung cao vào ba mũi nhọn để tạo ra đột phá.

Trước hết là tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Thứ hai là tập trung phát triển Cát Hải- Cát Bà. Trong thời gian tới, đây là địa phương thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn đảm bảo vừa phát triển cảng biển, vừa phát triển du lịch.

Việc tập trung phát triển cho Cát Bà sẽ là tiền đề để xây dựng Cát Bà thành đô thị thông minh. Cũng theo ông Lê Văn Thành, mũi nhọn thứ 3 là tập trung phát triển hai bờ sông Lạch Tray và khu vực Đồ Sơn.

Xuất phát từ yêu cầu của các địa phương trong triển khai đô thị thông minh, thời gian qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác của trung ương làm việc với các bộ, ngành và khảo sát một số địa phương như TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh.

Tại Hải Phòng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã dành nhiều tâm huyết trong một bản thuyết trình dành riêng cho thành phố cảng.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của các đô thị và quyết tâm vào cuộc của mỗi địa phương. Muốn thực hiện được đô thị thông minh phải có ứng dụng của CNTT để giải quyết bốn vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn.

Đó là: Dân số đô thị tăng, số đô thị tăng từ đó gây áp lực lên môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, nhà ở… Hạ tầng (điện, nước, giao thông) lạc hậu, quá tải. Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng. Từ đó, đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (môi trường, giáo dục, y tế, chính quyền…).

Tuy nhiên, đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là đầu tư cho CNTT. Theo người đứng đầu Mặt trận, đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo, là bài toán của các nhà quản lý.

Nhưng việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo.

Chiến lược 2 cánh và 10 nhiệm vụ ưu tiên

“Quản lý là để ngăn chặn tình huống khó khăn chứ không phải khó khăn xảy ra mới tìm hướng giải quyết. Quản lý đô thị thông minh là thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất. Đây là vấn đề quan trọng nhất”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bởi theo người đứng đầu Mặt trận, nếu như quan niệm hôm nay sống được mà ngày mai không có vấn đề gì thì đó chính là sai lầm của mỗi đô thị. Nếu các nhà quản lý đô thị không theo dõi diễn biến của cuộc sống ở mỗi đô thị về kinh tế, xã hội trong 7-10 năm thì những vấn đề bất cập sẽ không thể giải quyết được và không sửa được.

“Chúng ta thường họp để giải quyết tình huống theo tuần, tháng, năm nhưng định hình cho 5-7 năm sau thì không có. Cho nên, hiện chúng ta chỉ giỏi về xử lý tình huống nhưng lại kém về dự báo và đưa ra giải pháp tối ưu. Đây chính là hạn chế của mỗi thành phố”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề.

Trên cơ sở các mục tiêu trên, với những thuận lợi và thách thức, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chiến lược 2 cánh và 10 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020 cho thành phố Cảng Hải Phòng.

Cánh 1 là Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững, bao gồm hai nhiệm vụ là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.

Cánh 2 là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh.

“Hải Phòng cần triển khai đồng thời các nhiệm vụ thuộc cả hai cánh. Với cánh 1, triển khai nhiệm vụ 1 rồi đến nhiệm vụ 2. Với cánh 2, tùy điều kiện và tình hình của thành phố, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số các nhiệm vụ để ưu tiên triển khai trước” -Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến 4 giải pháp nền tảng của đô thị thông minh.

Thứ nhất chính quyền muốn hoạch định tương lai thì phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững, phải có sự mô phỏng, quy hoạch động và được cập nhật thường xuyên.

Thứ hai, chính quyền hỗ trợ quyết định tối ưu của 4 chủ thể là công dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước và tổ chức xã hội từ đó đưa ra hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao và cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn.

Thứ ba, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, phải coi không gian mạng như một không gian sống bắt buộc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội trong giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền.

Việc người dân tham gia quản lý đóng vai trò quan trọng, vì vậy, giải pháp nền tảng thứ tư là Hải Phòng cần tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân.

Mặt trận sẽ tiếp tục hỗ trợ

Quyết tâm chính trị, quyết tâm cải cách hành chính là những thuận lợi có sẵn của Hải Phòng, tuy nhiên để xây dựng được thành phố thông minh, theo người đứng đầu Mặt trận, trong thời gian tới, Hải Phòng cần có sự hợp tác với đối tác nước ngoài để tư vấn kết hợp với viễn thông nội địa nhằm xây dựng đô thị thông minh để từ đó ra được Nghị quyết mới về thành phố thông minh.

Đặc biệt, trong đó, việc xây dựng thành phố thông minh, quận thông minh cần phải làm song song, không thể làm độc lập vì giao thông thông minh là của cả thành phố chứ không phải việc của một quận.

“Quận sẽ là nơi giải quyết những vấn đề có khả năng trong tầm tay. Và đây cũng chính là nơi hiện thực hóa quyết tâm xây dựng đô thị thông minh của thành phố", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cùng với đó, việc xây dựng đảo thông minh cần đảm bảo đảo có đủ điều kiện tự nhiên và có đặc thù văn hóa, dịch vụ du lịch phải thông minh.

“Với quyết tâm như vậy, sau 5 năm Hải Phòng sẽ hình thành hệ thống xương sống về đô thị thông minh và sau 10 năm sẽ hình thành hiệu quả đô thị thông minh”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, Mặt trận sẽ tiếp tục hỗ trợ và hàng năm sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về đô thị thông minh, từ đó mỗi tỉnh sẽ đưa ra kinh nghiệm thực hiện đô thị thông minh của mình, đưa ra thế mạnh của mình trong xây dựng hệ thống phát triển đô thị, cùng với đó là kinh nghiệm của các nước trong xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng vào việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành: Biến quyết tâm thành hiện thực

Với trải nghiệm và tâm huyết của một nhà lãnh đạo, nhà khoa học, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra định hướng và giải pháp để xây dựng Hải Phòng thành thành phố thông minh.

Trân trọng những ý kiến này, Bí thư Thành uỷ Lê Văn Thành, khẳng định, Hải Phòng sẽ tiếp thu những nội dung quan trọng của đề án này và giao UBND thành phố nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với tập đoàn VNPT xây dựng đề án. Từ nay đến tháng 6/2017, hoàn thành đề án để ban hành nghị quyết. Sau khi có Nghị quyết, Hải Phòng sẽ ưu tiên tiến hành thực hiện trước một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Lê Văn Thành cũng bày tỏ, xây dựng đô thị thông minh là quyết tâm chính trị của Hải Phòng và với tất cả những nỗ lực Hải Phòng sẽ biến quyết tâm thành hiện thực.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành uỷ Lê Văn Thành mong muốn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để giúp Hải Phòng hiện thực hoá mục tiêu quan trọng này.

Ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng: Đô thị thông minh gắn với cảng thông minh

Có hai việc mà Hải Phòng cần phải thực hiện trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Thứ nhất là cảng. Hải Phòng luôn gắn với cảng từ bao đời nay. Vì vậy muốn xây dựng thành phố Hải Phòng là thành phố thông minh thì phải xây dựng cảng thông minh. Trên thế giới, việc xây dựng cảng thông minh đã được nhiều nước thực hiện thành công.

Thứ hai là phải quy hoạch và xây dựng được các toà nhà thông minh để giảm tải cho những áp lực về quy hoạch đô thị. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị, Hải Phòng sẽ có nhiều sáng tạo, đổi mới trong việc xây dựng thành phố thông minh.

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Hải Phòng Hoàng Duy Đỉnh:Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử

Cách đây một năm, tôi từng được tham dự Hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam" do Mặt trận tổ chức. Ở một góc độ nào đó, Hải Phòng ít nhiều đã xuất hiện hình thái đô thị thông minh và trong thời gian tới cần xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử, cùng với đó là lựa chọn xây dựng dự án cơ sở dữ liệu làm căn cứ phát triển đô thị thông minh và chính quyền điện tử.

Hải Phòng và VNPT đã có ký kết chiến lược trong việc phát triển hệ thông công nghệ thông tin. Đây cũng là tiền đề quan trọng để hai bên phối hợp tốt trong mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.

Đô thị thông minh là một vấn đề rất lớn, liên quan đến quản lý đô thị của toàn thành phố. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển giao thông thông minh, tiếp tục nâng cổng thông tin điện tử của Hải Phòng để kết nối chung.

Ngay tháng 11 này, Hải Phòng sẽ tổ chức hội thảo đô thị thông minh, trong đó có sự tham gia của các đơn vị.

Bí thư huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng Bùi Trung Nghĩa: Đảm bảo sự bền vững trong phát triển

Thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển trong đó quy hoạch đảo Cát Hải thành đô thị thông minh.

Dựa trên những tiêu chí cơ bản mà một đô thị thông minh cần có thì Cát Hải có nhiều yếu tố để xây dựng thành đô thị thông minh. Hiện nay, Cát Hải được định hướng thành khu vực cảng, các nhà đầu tư lớn đang tiến hành khảo sát và đầu tư tại hai đảo Cát Bà và Cát Hải.

Trên cơ sở này, chúng tôi đề xuất thành phố cho phép thực hiện rà soát quy hoạch tổng thể 2025-2030 một cách rõ ràng hơn để tránh việc làm lại và lãng phí.

Đối với chiến lược phát triển chung, thành phố cần có ý kiến chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư, các mô hình phát triển kinh tế; các mô hình, đầu tư phát triển đảo Cát Hải, Cát Bà phải có định hướng của thành phố trong đó chỉ rõ khu nào làm gì, yêu cầu nhà đầu tư cần phải tuân thủ và đảm bảo được tính phát triển bền vững của hai hòn đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO