Quản lý tài sản công: Quy trách nhiệm người đứng đầu

T.Hằng 26/05/2017 08:05

Chiều ngày 25/5, Bộ Tài chính Tổ chức họp báo chuyên đề về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản khẳng định, sẽ cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh thời gian vừa qua có nhiều địa phương nhận “xe sang” từ DN.

Việc thanh lý xe công trong thời gian vừa qua đã đem đến cho xã hội nhiều bàn luận.

Bồi hoàn đầy đủ cho nhà nước

Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản Nguyễn Tân Thịnh nói thêm, dự luật quản lý sử dụng tài sản công cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

Các hành vi gây thiệt hại về tài sản công trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 2.585 triệu m2 đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Số đất này phần lớn được giao cho khối đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) quản lý, sử dụng với tỷ lệ lên đến 91,65%.

Còn lại 7,8% do khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng; 0,54% do khối các tổ chức quản lý, sử dụng và khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng 0,01%.

Việc giao đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị song việc khai thác đất công hay nhiều loại tài sản công khác có thực trạng lãng phí, tham ô, tham nhũng. Giám sát hiệu quả việc sử dụng tài sản công vẫn là một câu hỏi ngỏ chưa có lời giải.

Phó cục trưởng Cục quản lý Công sản cho biết, để bảo đảm quy định và công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, tập trung vào các nội dung: văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công....

Việc giám sát của cộng đồng được thực hiện theo 4 hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã.

Đặc biệt, theo đại diện Cục Quản lý công sản, để đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết, dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) quy định 8 yêu cầu phải tuân thủ, thẩm quyền quyết định, trách nhiệm của các ĐVSNCL và của cơ quan quản lý tài sản công. Việc sử dụng tài sản vào các mục đích nêu trên cũng phải tuân thủ theo cơ chế thị trường.

Tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được hạch toán riêng theo quy định về kế toán và được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của ĐVSNCL.

Kiểm soát, thanh lý xe công đang có vấn đề

Tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cũng chính thức lên tiếng xung quanh việc một số tỉnh thanh lý xe công trước thời hạn. Trong đó có xe thanh lý trước niên hạn 9 năm.

Cụ thể, trong báo cáo của Kiểm toán Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước, nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng và thanh lý xe công đã được vạch rõ.

Việc thanh lý xe ô tô chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng được thanh lý. Cụ thể, bộ Tài chính thanh lý 93 chiếc (đã thanh lý 41 chiếc, đang triển khai thủ tục bán đấu giá 11 chiếc và đang hoàn thiện hồ sơ để thanh lý 41 chiếc) thời gian sử dụng từ 2002 đến 2007 (thiếu 1-6 năm).

Ông Thịnh cho biết thêm, theo quy định hiện nay và trong dự thảo luật về quản lý, sử dụng tài sản công, có quy định rõ, xe ô tô khi thanh lý phải đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: Đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định (15 năm); hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng; hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng, sửa chữa không hiệu quả.

Chính ông Thịnh cũng thừa nhận thẩm quyền xác định thanh lý xe đang phân cấp cho các bộ ngành địa phương. Một số bộ ngành địa phương lại phân cấp cho cấp dưới nên việc kiểm soát thanh lý xe công cũng đang gặp một vài vướng mắc.

Vì vậy, vừa qua khi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã bổ sung trong dự thảo nghị định quy định tất cả các trường hợp xử lý tài sản nhà nước phải nói rõ lý do như vượt quá thời hạn hay vượt quá km, hư hỏng… Từ đó, khi nhìn vào kết quả báo cáo kiểm toán sẽ biết được lý do thanh lý minh bạch hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý tài sản công: Quy trách nhiệm người đứng đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO